Xuất bản thông tin

null Hiến định về quyền của phụ nữ Việt Nam qua từng thời kỳ

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Hiến định về quyền của phụ nữ Việt Nam qua từng thời kỳ

Lê Thị Nhật Sang

Viên chức Trường Chính trị

        Phụ nữ chiếm một nửa nhân loại và là lực lượng lao động quan trọng góp phần phát triển kinh tế - xã hội và thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội. Trong suốt chiều dài lịch sử, trải qua hàng trăm năm đấu tranh dựng nước và giữ nước, ngày nay, quyền của phụ nữ đã được thừa nhận và trân trọng trên phạm vi thế giới. Nhiều văn kiện, văn bản pháp luật đã xác định và đề cao quyền phụ nữ, coi đó như là một trách nhiệm của văn minh thế giới.

        Có thể nói rằng, việc quy định quyền của phụ nữ trong pháp luật là sự ghi nhận về mặt pháp lý đối với vai trò của nữ giới trong xã hội, đây là bước tiến trong sự nghiệp giải phóng con người nói chung và giải phóng phụ nữ nói riêng.

Nhìn lại chặng đường lịch sử, từ thời vua Hùng, phụ nữ Việt Nam đã có những cống hiến to lớn đáng ghi nhận. Mở đầu cho truyền thống “giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” là hình ảnh hai vị nữ tướng anh hùng dân tộc Trưng Trắc và Trưng Nhị phất cờ đánh đuổi quân Đông Hán; bà Triệu Thị Trinh với tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường khiến giặc Ngô bao phen khiếp sợ.

        Ở Việt Nam, quyền của phụ nữ thực sự được đề cập đến từ khi nhân dân ta giành được độc lập từ tay thực dân phong kiến. Sau khi giành được chính quyền, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được thành lập đã đánh dấu một bước chuyển biến cơ bản trong đời sống của người phụ nữ. Từ nay chị em thực sự trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh mình cùng nam giới chung lo bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Mỗi một người và tất cả phụ nữ  phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội” [1].  Như vậy, họ đã bình đẳng với nam giới trên cả hai mặt: nghĩa vụ và quyền lợi. Không dừng lại ở đó, nhằm tuyên truyền những chính sách mới về quyền phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sáng tác bài ca dài 212 câu, một lần nữa có sự lặp lại nội dung trên thể hiện qua hai câu thơ ngắn gọn mà dung dị:

“Đàn bà cũng được tự do

Bất phân nam nữ, đều cho bình quyền”

        Với ý nghĩa đó, những văn bản pháp luật đầu tiên về quyền công dân, trong đócó quyền của phụ nữ được ban hành. Tuy nhiên, trong từng điều kiện, hoàn cảnh của đất nước, nên ở mỗi thời kỳ, các quyền công dân nói chung và quyền của phụ nữ nói riêng được thể hiện và phát triển vừa có tính kế thừa vừa có sự đổi mới. Hiện nay, những quyền cơ bản của phụ nữ đã được ghi nhận trong các bản Hiến pháp – đạo luật cơ bản nhất của Nhà nước qua từng thời kỳnhằm quán triệt sâu sắc quan điểm “nam nữ bình quyền” thông qua một số các quy định cụ thể về quyền của phụ nữ như sau:

Hiến pháp năm 1946

        “Đàn bà ngang quyền đàn ông về mọi phương diện” (Điều 9) – quy định phá tan xiềng xích tư tưởng “trọng nam khinh nữ” của chế độ phong kiến, chế độ thuộc địa nửa phong kiến.

        Hiến pháp 1946 là bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, với quy định đó của Hiến pháp đã chính thức tuyên bố với thế giới rằng phụ nữ Việt Nam đã đứng ngang hàng với đàn ông để hưởng mọi quyền công dân.Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì con đường đấu tranh để thực hiện quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữkhông chỉ dừng lại ở các quy định mà phải thông qua những hành động; bước đi rõ ràng, cụ thể để từng bước hiện thực hóa quyền phụ nữ trong xã hội, và đó là nhiệm vụ khó khăn, lâu dài bởi vấn đề giải phóng phụ nữ là một vấn đề xã hội to lớn và là sự quan tâm của tất cả mọi người. Người cho rằng muốn giải phóng người phụ nữ không chỉ thực hiện một sự phân công mới, bình đẳng giữa vợ và chồng trong các công việc gia đình, mà cái căn bản là phải có sự phân công, sắp xếp lại lao động của toàn xã hội, tạo ra nhiều cơ hội để phụ nữ có thể tham gia nhiều ngành nghề như nam giới. Hơn hết, đó là tổ chức lại đời sống công nông cũng như sinh hoạt gia đình để phụ nữ giảm nhẹ công việc bếp núc, chăm lo con cái, có điều kiện tham gia sản xuất, học tập nâng cao trình độ mọi mặt. Từ đó, người phụ nữ mới có đủ khả năng làm nhiều công việc chuyên môn và đảm nhiệm được những chức vụ công tác ngang hàng với nam giới. Đó là một cuộc cách mạng thực sự lớn đã được Đảng và Nhà nước ta xác định là nhiệm vụ quan trọng, cần thiết để tiến hành thực hiện.

Hiến pháp năm 1959

        “Phụ nữ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa có quyền bình đẳng với nam giới về các mặt sinh hoạt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình” (Điều 24) – sự ghi nhận, trân trọng và đảm bảo của toàn xã hội đối với vai trò của phụ nữ.

        Có thể thấy, so với Hiến pháp năm 1946, Hiến pháp năm 1959 đã cụ thể hóa ra 5 lĩnh vực mà người phụ nữ được quyền bình đẳng với nam giới từ xã hội đến gia đình bao hàm tất cả các mặt của đời sống xã hội. Còn đối với chị em phụ nữ “phải nhận rõ địa vị làm người chủ và nhiệm vụ người làm chủ nước nhà; phải có quyết tâm mới, đạo đức mới, tác phong mới để làm trọn nghĩa vụ mới của mình là góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội…" [2].

Hiến pháp năm 1980

        Khác với hai bản Hiến pháp năm 1946 và năm 1959; Hiến pháp năm 1980 quy định quyền của phụ nữ vừa được lồng trong các quyền cơ bản của công dân, vừa được quy định riêng nhằm tạo ra những điểm nhấn quan trọng, khẳng định quyền của phụ nữ.

        Theo Điều 55, thì “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”, có thể nói đây là quy định tiến bộ của Hiến pháp năm 1980, vì nó bao hàm tất cả các giới tính, khẳng định quyền bình đẳng giới trong xã hội.

        Lần đầu tiên, văn bản pháp lý có hiệu lực cao nhất của Nhà nước ta xác định: “Công dân không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng tôn giáo, trình độ văn hoá, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử và từ 21 tuổi trở lên đều có thể được bầu vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp” (Điều 57).

        Bên cạnh đó, bản Hiến pháp này cũng quy định đảm bảo sự bình đẳng giữa nam và nữ trong lĩnh vực lao động, hôn nhân và gia đình, cụ thể: “Phụ nữ và nam giới có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình”, “Lao động nữ và nam việc làm như nhau thì tiền lương ngang nhau” (Điều 63). Một số quy định khác trong Hiến Pháp xác định lao động nữ có quyền hưởng chế độ thai sản, phụ nữ là viên chức nhà nước, người làm công ăn lương có quyền nghỉ trước và sau khi sinh đẻ mà vẫn hưởng lương, phụ cấp theo quy định của pháp luật. Nhà nước và xã hội tạo điều kiện để phụ nữ nâng cao trình độ mọi mặt, không ngừng phát huy vai trò của mình trong xã hội. Chăm lo phát triển các nhà hộ sinh, khoa nhi, nhà trẻ và các cơ sở phúc lợi xã hội khác, tạo điều kiện cho phụ nữ sản xuất, công tác, học tập, và nghỉ ngơi, và “Hôn nhân theo nguyên tắc tự nguyện, tiến bộ, một vợ một chồng, vợ chồng bình đẳng”, “Nhà nước và xã hội không thừa nhận việc phân biệt đối xử giữa các con” (Điều 64).

        Có thể thấy, ở Hiến pháp năm 1980 đã có tiến bộ khi quyền của công dân Việt Nam nói chung và quyền của phụ nữ nói riêng đã được khẳng định ở tầm cao hơn, cụ thể hơn.

Hiến pháp năm 1992

        Về cơ bản, quyền của phụ nữ trong Hiến pháp năm 1992 kế thừa và phát triển những quy định tiến bộ của Hiến pháp năm 1980, nhưng nhấn mạnh thêm nội dung: “Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ” (Điều 63).

Hiến pháp năm 2013

        Qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung đến nay, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định sâu sắc hơn quyền của phụ nữ trên cơ sở kế thừa và phát triển các quy định của Hiến pháp năm 1992.

        Từ Điều 14 đến Điều 49, Chương II, Hiến pháp năm 2013 đã quy định các quyền con người nói chung và quyền công dân nói riêng, trong đó có quyền của phụ nữ được quy định tại Điều 26: “Công dân nam, nữ bình đẳng về mọi mặt. Nhà nước có chính sách bảo đảm quyền và cơ hội bình đẳng giới”.“Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội.Nghiêm cấm phân biệt đối xử về giới”.

        Tại Điều này đã mở rộng hơn nữa trách nhiệm tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện, phát huy vai trò của mình trong xã hội đó không chỉ còn là của nhà nước, xã hội mà còn có trách nhiệm của cả gia đình. Tại Khoản 2, Điều 36: “Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình, bảo hộ quyền lợi của người mẹ và trẻ em”; tại khoản 2, Điều 58 “Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người mẹ, trẻ em, thực hiện kế hoạch hóa gia đình”...

        Không thể phủ nhận rằng quyền phụ nữ Việt Nam luôn luôn được quy định qua nhiều lần sửa đổi, bổ sung các bản Hiến pháp để ngày càng phù hợp với điều kiện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước và phù hợp với các điều ước quốc tế mà nước ta đã tham gia. Điều này đã thể hiện mối quan tâm sâu sắc của cả hệ thống chính trị, của bộ máy nhà nước Việt Nam đối với sự phát triển của phụ nữ Việt Nam trong tiến trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Với vai trò quan trọng của họ trong suốt chặng đường dài lịch sử đấu tranh giành độc lập, giải phóng dân tộc và trong công cuộc đổi mới đất nước ngày nay. Người phụ nữ Việt Nam, đó là một cụm từ hàm chứa nhiều yếu tố đẹp đẽcủa văn hóa; bởi từ vai trò đối với xã hội, họ cống hiến cho quê hương đất nước; vai trò đối với gia đình họ làm tròn trách nhiệm làm vợ, làm mẹ; sắp xếp tổ chức, chăm lo đời sống tinh thần và giữ gìn giá trị văn hóa gia đình thì không thể phụ nhận phụ nữ Việt Nam đã thật sự tạo ra những giá trị văn hóa tinh thần cao đẹp cho dân tộc Việt Nam và đất nước Việt Nam.

Tài liệu tham khảo

Hiến pháp Việt Nam qua từng thời kỳ - Các bản Hiến pháp năm 1946. 1959, 1980, 1993, 2013 – Nxb. Chính trị Quốc gia, Sự thật, 2018

[1] Hồ Chí Minh: toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Năm 2009, Tập 10, tr.294.

[2] Bài nói chuyện tại Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III ngày 9-3-1961, sđd, t.10, tr. 296.