Xuất bản thông tin

null NHÌN LẠI CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA ĐẢNG QUA CÁC KỲ ĐẠI HỘI

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

NHÌN LẠI CHẶNG ĐƯỜNG PHÁT TRIỂN VÀ TRƯỞNG THÀNH CỦA ĐẢNG QUA CÁC KỲ ĐẠI HỘI

 

ThS Nguyễn Thị Duyên

Đảng Cộng sản Việt Nam là một hệ thống tổ chức chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở, trong đó Đại hội Đại biểu toàn quốc là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng. Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng ngoài nhiệm vụ đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của nhiệm kỳ đã qua; quyết định đường lối, chính sách của Đảng; bổ sung, sửa đổi Cương lĩnh chính trị và Điều lệ Đảng khi cần thiết…còn có nhiệm vụ bầu ra Ban Chấp hành Trung ương, cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai nhiệm kỳ Đại hội. Nhìn lại chặng đường 91 năm hình thành và phát triển, tính đến ngày 26/01/2021 Đảng đã trải qua 13 kỳ Đại hội, mỗi kỳ Đại hội là một chặng đường phát triển của đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất diễn ra ở Ma Cao – Trung Quốc (3/1935), Đại hội đề ra chủ trương, đường lối và tổ chức, hoạt động của Đảng trong thời kỳ mới. Đại hội đánh dấu sự khôi phục hệ thống tổ chức của Đảng từ Trung ương đến địa phương; thống nhất phong trào cách mạng dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Trung ương mới, đem lại niềm tin cho đảng viên và quần chúng và chuẩn bị cho bước phát triển mới của phong trào cách mạng của nhân dân ta.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương họp tháng 2/1951 tại Chiêm Hóa – Tuyên Quang, vùng căn cứ địa kháng chiến Việt Bắc. Đại hội đã tổng kết 21 năm Đảng lãnh đạo cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân, 5 năm Đảng lãnh đạo chính quyền và công cuộc kháng chiến kiến quốc, bước đầu làm rõ những kinh nghiệm, bài học và lý luận cách mạng dân tộc, dân chủ và chiến tranh nhân dân, đánh giá bước phát triển của nửa đầu và dự báo sự phát triển của cách mạng nước ta nửa sau thế kỷ XX.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9/1960), tổng kết 30 năm lãnh đạo của Đảng nêu lên những bài học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn của cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đại hội phân tích những đặc điểm của cách mạng Việt Nam và quyết định đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và đường lối cách mạng miền Nam nhằm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đất nước thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (12/1976) đã tổng kết thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước và của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân Việt Nam, nêu lên những bài học có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc. Đại hội đề ra đường lối cách mạng xã hội chủ nghĩa và đường lối xây dựng phát triển kinh tế cả nước.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (3/1982). Đại hội chủ trương chú trọng phát triển nông nghiệp, coi nông nghiệp là mặt trận hàng đầu, Đại hội V nêu ra những mục tiêu và nhiệm vụ của chặng đường đầu tiên của thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Tháng 12/1986 Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng họp tại Hà Nội, mở đầu thời kỳ phát triển đất nước trên con đường đổi mới, dựa trên cơ sở tổng kết thực tiễn của đất nước, sáng kiến nguyện vọng, lợi ích của nhân dân và đổi mới tư duy lý luận đã đề ra đường lối đổi mới. Đại hội VI đã đặt nền tảng thắng lợi cho toàn bộ sự nghiệp đổi mới của Đảng, của đất nước đến ngày nay. 

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (6/1991) đã thảo luận và thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định và phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2000. Đánh dấu một bước trưởng thành mới của Đảng, khẳng định tư tưởng Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác – Lênin là nền tảng tư tưởng của Đảng.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (6/1996). Đại hội đã nêu bật những thành tựu của 10 năm đổi mới về nhịp độ phát triển kinh tế; những chuyển biến tích cực về mặt xã hội; giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng an ninh; thực hiện có kết quả một số đổi mới quan trọng về hệ thống chính trị và phát triển mạnh mẽ quan hệ đối ngoại. Đại hội đặc biệt nhấn mạnh “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng sáng rõ hơn”, và tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ năm (7/1988) đã thông qua Nghị quyết về Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Diễn ra vào thời điểm thế giới kết thúc thế kỷ XX mở đầu thế kỷ XXI, mở đầu thiên niên kỷ mới, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (4/2001) quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong sự phát triển của đất nước với tinh thần phát huy sức mạnh toàn dân tộc, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, làm rõ vấn đề lý luận và thực tiễn về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Và tại Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ tư (11/2001) đã dự thảo và nêu ra phương hướng quan điểm chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992.

Diễn ra trong thời điểm lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng, sự nghiệp đổi mới nước ta đã trải qua 20 năm, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng (4/2006) đưa lại cho đất nước một sự thay đổi cơ bản, toàn diện, làm cho thế và lực, uy tín quốc tế của nước ta tăng lên so với giai đoạn trước. Đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI (01/2011) xác định toàn dân phải ra sức phấn đấu xây dựng nước ta trở thành một nước công nghiệp hiện đại, theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tại Đại hội cũng thông qua Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011). Tháng 01/2016 Đại hội XII của Đảng được tiến hành, đây là Đại hội có ý nghĩa rất trọng đại, định hướng, cổ vũ và động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”.

Và sau thời gian dài chuẩn bị, sáng ngày 26/01/2021 Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã chính thức khai mạc, với tinh thần “đoàn kết - dân chủ - kỷ cương – sáng tạo – phát triển” Đại hội thể hiện bản lĩnh, ý chí kiên cường và quyết tâm đi tới của cả dân tộc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Điều quan trọng nữa là văn kiện Đại hội XIII có sức truyền cảm hứng cách mạng, khích lệ niềm kêu hãnh về cơ đồ Việt Nam; định hướng khát vọng dân tộc tiến sát hơn tới mục tiêu thời đại với những giá trị phổ quát theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó là bước tiến về tư duy chiến lược đi trước một bước của Đảng.

Điểm lại các kỳ Đại hội Đảng, nhận thấy rõ vai trò, vị trí của Đảng không ngừng được củng cố và phát triển. Đó không chỉ là thành quả của sự sàng lọc, lựa chọn của chính lịch sử mà thể hiện sứ mệnh và trách nhiệm nặng nề của Đảng trước vận mệnh của đất nước, giai cấp và dân tộc, trước toàn thể nhân dân Việt Nam, từ sự đúng đắn và không ngừng hoàn thiện cương lĩnh, đường lối chính trị, từ sự không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, từ sự rèn luyện, không ngừng học tập theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Đảng ta là đạo đức, là văn minh

Là thống nhất, độc lập, là hòa bình ấm no

Cảm ơn Đảng thật là to.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Hội đồng Lý luận Trung ương, Đảng Cộng sản Việt Nam trách nhiệm trước dân tộc và lịch sử, Nxb Chính trị Quốc gia – Sự thật, Hà Nội, 2011
  2. http://www.tuyengiao.vn/tien-toi-dai-hoi-lan-thu-xiii-cua-dang/thong-tin-tu-lieu/long-dan-va-tri-tue-cua-dang-bao-dam-thanh-cong-dai-hoi-xiii-131827
  3. https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/dien-van-khai-mac-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-dang-cong-san-viet-nam-3545