Xuất bản thông tin

null Vận dụng Nghị quyết “Về tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo đảm ổn định và phát triển xã hội” trong giảng dạy chuyên đề Xây dựng và phát triển KT-XH gắn với QP-AN hiện nay.

Chi tiết bài viết Tin tức - Sự kiện

Vận dụng Nghị quyết “Về tăng cường quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo đảm ổn định và phát triển xã hội” trong giảng dạy chuyên đề Xây dựng và phát triển KT-XH gắn với QP-AN hiện nay.

Nguyễn Văn Hiền – Khoa Lý luận cơ sở

Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với chủ đề “Xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân; đưa kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững; nâng cao chất lượng sống của Nhân dân; xây dựng nền văn hóa và con người Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh”. Đại hội Tỉnh Đảng bộ có ý nghĩa chính trị rất to lớn trong việc đánh giá kết quả Nghị quyết Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ X nhiệm kỳ 2015 – 2020 mà các cấp ủy cùng với quần chúng nhân dân đã thực hiện trong thời gian qua, từ đó đề ra nhiệm vụ, giải pháp nhiệm kỳ tới đạt những kết quả tốt hơn. Chính vì vậy, việc nghiên cứu, tìm hiểu và vận dụng những nội dung trong văn kiện đại hội Đảng bộ tỉnh trong giảng dạy lý luận chính trị có ý nghĩa lớn đối với giảng viên. Với vai trò, trách nhiệm trong việc giảng dạy các chuyên đề liên quan quốc phòng, an ninh đã nghiên cứu và cần phải vận dụng các nội dung cụ thể sau:

Thứ nhất, những kết quả đạt được về vấn đề xây dựng phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh thời gian qua

Trong nhiệm kỳ qua Tỉnh đã triển khai và thực hiện tốt các chủ trương, chính sách về công tác quốc phòng, an ninh địa phương, hiệu lực quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh được tăng cường. Quốc phòng, an ninh tiếp tục được củng cố vững mạnh cả về tiềm lực, lực lượng và thế trận, chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của lực lượng vũ trang nhân dân được nâng lên. Kết hợp chặt chẽ giữa nhiệm vụ củng cố quốc phòng, an ninh với phát triển kinh tế - xã hội. Xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ, phòng không nhân dân, trinh sát - quân báo; quan tâm đầu tư xây dựng các công trình chiến đấu trong khu vực phòng thủ như diễn tập khu vực phòng thủ cấp tỉnh, cấp huyện.

Các đồn biên phòng phối hợp với các xã biên giới trong việc phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng an ninh khu vực biên giới; thực hiện tốt chương trình phối hợp giữa lực lượng vũ trang với các đoàn thể địa phương. Triển khai nhiều phương án, kế hoạch công tác an ninh địa bàn Campuchia; chủ động nắm tình hình từ xa, tại cơ sở. Vô hiệu hoá âm mưu của đối tượng tình báo, gián điệp đến địa phương lợi dụng thực hiện các chương trình, dự án để thu thập tin tức, tiếp xúc câu móc gây dựng cơ sở.

Triển khai thực hiện Kết luận số 27-KL/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ Tỉnh khóa X về định hướng phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2016 - 2020; tập trung tuyên truyền, vận động  Nhân dân các xã biên giới thực hiện tốt Hiệp định, Hiệp ước, Quy chế về quản lý biên giới; Hiệp định liên vận Việt Nam - Campuchia… Công tác đối ngoại được mở rộng và đi vào thực chất, góp phần tích cực trong việc mở rộng các quan hệ hợp tác quốc tế, tạo điều kiện thuận lợi trong việc thu  hút nguồn lực bên ngoài, hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó mô hình Tết Quân – Dân, giúp dân phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội; tham gia chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí; tổ chức các đợt hành quân dã ngoại làm công tác vận động quần chúng.

Thứ hai, bên cạnh những thành tựu đạt được, việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội gắn với quốc phòng an ninh còn một số hạn chế

An ninh trên một số lĩnh vực chưa thật vững chắc; chủ trương kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh có lúc, có nơi thực hiện chưa nghiêm.

Một số vấn đề an ninh phi truyền thống xử lý  có nơi còn bị động, hiệu quả chưa cao, nhất là an ninh mạng, tội phạm và tệ nạn  ma tuý chưa được kiềm chế; tai nạn giao thông đường bộ được kéo giảm nhưng chưa bền vững.

Công tác ngoại giao kinh tế đạt hiệu quả chưa cao, một số địa phương chưa thu hút được các doanh nghiệp, đối tác nước ngoài tham gia đầu tư vào các dự án; tạo mối quan hệ, liên kết với các đối tác nước ngoài còn hạn chế.

Từ đó, Nghị quyết Đại hôi Tỉnh Đảng bộ đã đề ra những phương hướng và giải pháp như sau:

Một là, tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định và phát triển kinh tế - xã hội khu vực biên giới trên địa bàn Tỉnh.

Phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, trong đó lực lượng vũ trang là nòng cốt trong thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt và triển khai thực hiện tốt chủ trương kết hợp quốc phòng, an ninh với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, an ninh. Tập trung đầu tư xây dựng khu vực phòng thủ; củng cố, phát triển khu kinh tế quốc phòng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người dân và toàn xã hội đối với yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và bảo vệ Tổ quốc

Triển khai thực hiện tốt các văn kiện pháp lý về biên giới như: Hiệp ước bổ sung năm 2019, Nghị định thư về công tác phân giới cắm mốc khi có hiệu lực... Đầu tư xây dựng hạ tầng các cụm, tuyến dân cư trên biên giới, khu vực cửa khẩu phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và củng cố quốc phòng - an ninh

Đấu tranh hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và ứng phó hiệu quả với an ninh phi truyền thống. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn. Tăng cường mở rộng quan hệ đối ngoại, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội và giữ vững an toàn tuyệt đối tuyến biên giới

Hai là, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế. Tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động đối ngoại theo chủ trương chủ động, tích cực hội nhập quốc tế, triển khai toàn diện, đồng bộ các hoạt động đối ngoại, trọng tâm là hợp tác kinh tế theo hướng khả thi, cụ thể, thiết thực và chủ động trong việc xây dựng mối quan hệ hợp tác với các đối tác nước ngoài, tìm các giải pháp tối ưu để thu hút đầu tư nước ngoài trên địa bàn Tỉnh, trong đó, ưu tiên đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế và hội nhập quốc tế nhằm thu hút mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhất là với các địa phương thuộc Vương quốc Campuchia, Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.

Thứ ba, sự vận dụng vào công tác giảng dạy chuyên môn

Một là, từ những nội dung nghiên cứu, phân tích đánh giá trên, người giảng viên phải vận dụng vào các nội dung bài giảng. Giảng viên cần phải tập trung đánh giá phần thực trạng của sự kết hợp phát triển kinh tế xã hội hiện nay, liên hệ đối với tỉnh Đồng Tháp về những kết quả đạt được và một số hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện. Từ đó sẽ lý giải những vấn đề chung của cả nước và tính đặc thù riêng của tỉnh Đồng Tháp trong điều kiện vừa xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội và phải kết hợp chặt chẽ với quốc phòng, an ninh.

Hai là, giảng viên cần liên hệ những nhiệm vụ, phương hướng đối với việc đảm bảo việc phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp thời gian tới so với các giải pháp chung trong nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội gắn với quốc phòng, an ninh hiện nay.

Từ việc nghiên cứu, vận dụng những nội dung về tăng cường quốc phòng, an ninh đối ngoại bảo đảm ổn định và phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025, sẽ góp phần trong công tác tuyền truyền Nghị quyết Đại hội đến cán bộ, đảng viên, nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của học viên trong việc học tập và thực hiện nhiệm vụ chính trị tại cơ quan đơn vị. Từ đó, học viên có những kiến nghị đề xuất, tham mưu với những cán bộ lãnh đạo trong việc phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương gắn chặt với quốc phòng, an ninh ở từng địa bàn cụ thể. Đồng thời giúp cho giảng viên có thêm những kiến thức mới, kịp thời giúp cho công tác giảng dạy chuyên môn được tốt hơn.

Tài liệu tham khảo

1. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo trình Trung cấp Lý luận chính trị - hành chính, Đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước Việt Nam về các lĩnh vực của đời sống xã hội, Nxb LLCT, Hà Nội 2017.

2. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Đồng Tháp, Tài liệu học tập văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 (Dành cho cán bộ, đảng viên)