Xuất bản thông tin

null Giảng viên Trường Chính trị với việc đưa Nghị quyết Đảng bộ Tỉnh vào bài giảng

Trang chủ Bài viết

Giảng viên Trường Chính trị với việc đưa Nghị quyết Đảng bộ Tỉnh vào bài giảng

 

Nguyễn Thanh Tuấn

                                                                                               

          Ngày 11-01-2021 Tỉnh Đồng Tháp đã tổ chức Hội nghị học tập, quán triệt và thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tỉnh dành cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh. Qua thời gian học tập, nghiên cứu, dưới góc độ là một đảng viên, giảng viên “Trường Đảng tỉnh”, bản thân nhận thấy trách nhiệm của đội ngũ giảng viên Trường nói chung và cá nhân mình nói riêng trong việc đưa các Nghị quyết của Đại hội vào cuộc sống, mà cụ thể đó là việc đưa nội dung của các Nghị quyết vào bài giảng của mình. Dưới góc độ bài viết, tác giả xin trao đổi vài ý kiến xoay quanh việc lựa chọn nội dung, phương pháp khi đưa các Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 vào bài giảng, từ thực tiễn Trường Chính trị Đồng Tháp.

          Thứ nhất, về sự cần thiết phải đưa các nghị quyết của Đại hội vào bài giảng.

          Cần khẳng định rằng: Việc đưa các nghị quyết của Đảng nói chung và Nghị quết của Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI nói riêng vào bài giảng vừa là một yêu cầu thiết thực của công tác đào tạo, bồi dưỡng, vừa là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng của mỗi đảng viên, giảng viên “Trường Đảng tỉnh”. Các Nghị quyết của Đại hội là những chủ trương, quyết sách quan trọng, có giá trị to lớn cả về lý luận và thực tiễn. Những nội dung được nêu trong Nghị quyết phản ánh bước phát triển mới về tư duy lý luận của Đảng bộ tỉnh, là định hướng cho nhận thức và hành động của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong thời gian tới. Bên cạnh đó, đối tượng học viên của Trường chính trị là những cán bộ, công chức, viên chức đang làm việc trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và đoàn thể trên địa bàn Tỉnh. Do vậy, việc đưa các Nghị quyết của Đại hội vào bài giảng là cần thiết nhằm sớm đưa nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống, từng bước đưa Tỉnh ta tiến tới phát triển nhanh và bền vững.

          Thứ hai, về lựa chọn nội dung.

Đối với một giảng viên khi lên lớp đòi hỏi đặt ra, một mặt là cần phải truyền thụ, trao đổi với học viên hết những nội dung kiến thức đã được nêu ra trong giáo trình. Bên cạnh đó, cần phải liên hệ thực tiễn, cập nhật, đưa những kiến thức ngoài giáo trình lồng ghép vào trong bài giảng.

Việc lựa chọn nội dung, cách thức để truyền đạt như thế nào cho hiệu quả trong khi những nội dung trong Nghị quyết là một khối lượng kiến thức, lý luận và thực tiễn sâu rộng, nó liên quan đến tất cả các ngành, các lĩnh vực của đời sống, xã hội vô cùng quan trọng. Vậy, cần phải đưa vào bài giảng những gì? Và đưa vào bao nhiêu để vừa không thừa lại không thiếu? Đây là một câu hỏi khó với không ít giảng viên, nhất là đối với những giảng viên trẻ với tuổi đời và tuổi nghề còn ít. Nếu liên hệ quá ít sẽ không phản ánh hết nội dung muốn đề cập, ngược lại nếu lựa chọn quá nhiều sẽ vô tình biến bài giảng của mình thành một bài báo cáo nghị quyết, chứ không phải một bài giảng.

Qua kinh nghiệm bản thân và trao đổi với đồng nghiệp, thiết nghĩ trước hết đòi hỏi người truyền đạt cần phải nhận thức đúng đắn, bản thân mỗi giảng viên phải tự giác học tập, nghiên cứu các Nghị quyết của Đại hội một cách đầy đủ, nghiêm túc, trách nhiệm, tránh hình thức để nắm chắc tinh thần, nội dung của Nghị quyết, từ đó góp phần liên hệ chính xác, sát với tình hình thực tế ở mỗi địa phương, đơn vị. Ở mỗi bài giảng khi lên lớp, người giảng viên cần lựa chọn lồng ghép vào những nội dung cần thiết với dung lượng vừa phải phù hợp với mỗi tiết giảng. Những nội dung đó phải toát lên được những quan điểm cơ bản, tư tưởng chỉ đạo, những nội dung cốt lõi và vấn đề mới trong Nghị quyết; đưa ra được phép so sánh với những nội dung của các kỳ Đại hội trước đây để nhận thức rõ sự kế thừa, bổ sung, phát triển, giúp học viên nắm vững mục tiêu, nhiệm vụ và các chỉ tiêu phát triển của Tỉnh trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, người học có thể rà soát, điều chỉnh, bổ sung nhằm phát huy những kết quả đạt được và khắc phục những hạn chế, yếu kém sau khi kết thúc khóa học, về công tác tại cơ quan đơn vị mình.

          Thứ ba, về phương pháp vận dụng các Nghị quyết vào bài giảng.

Bên cạnh việc lựa chọn nội dung để đưa vào bài giảng thì việc lựa chọn phương pháp phù hợp, hiệu quả cũng là một vấn đề quan trọng đối với giảng viên khi lên lớp. Điều này càng khó khăn hơn đối với những giảng viên trẻ khi mà tuổi đời và tuổi nghề còn khá ít. Và càng khó khăn hơn khi vấn đề đưa vào bài giảng ở đây lại là một nội dung được đề cập trong các Nghị quyết của Đảng. Đối tượng ở đây chính là cán bộ, đảng viên. Nếu xử lý không khéo đôi khi sẽ làm hiểu sai ý mà Nghị quyết muốn nói. Thậm chí sử dụng phương pháp không đúng cách vô tình làm hỏng cả một tiết giảng.

Trong giảng dạy, mỗi giảng viên cần nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy. Tùy vào mỗi bài giảng, có thể sử dụng kết hợp nhiều phương pháp khác nhau phù hợp với nội dung và đối tượng người học. Bên cạnh các phương pháp truyền thống, cần vận dựng các phương pháp hiện đại vào giảng dạy. Trong đó, cần quan tâm đến phương pháp so sánh các quan điểm, luận điểm của các Nghị quyết sau so với các Nghị quyết trước đó, bảo đảm tính chính xác, khoa học, có hệ thống và sát đúng với nội dung, tinh thần tư tưởng của Văn kiện. Cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin góp phần tăng tính trực quan trong bài giảng, đảm bảo chuyển tải nội dung đến người học đạt được hiệu quả cao nhất. Bên cạnh đó, một phương pháp quan trọng được nhắc đến nữa đó là liên hệ thực tiễn để giải quyết những vấn đề đang đặt ra tại địa phương, đơn vị mình. Thông qua liên hệ để phân tích, làm rõ nội dung các phạm trù, quy luật, các nguyên lý lý luận, sự vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh cụ thể phát triển của đất nước, khu vực và địa phương trong giai đoạn hiện nay. Và một vấn đề cũng cần được quan tâm, đó là việc đổi mới phương pháp đánh giá chất lượng học tập, mức độ nhận thức và năng lực vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn công tác của cơ quan, đơn vị mình.

Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ Tỉnh lần thứ XI có giá trị to lớn cả về mặt lý luận và thực tiễn. Việc đưa các nội dung của Nghị quyết vào bài giảng tại trường chính là một trong những yêu cầu quan trọng trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong giai đoạn hiện nay. Đó là trách nhiệm của mỗi giảng viên, nhất là những giảng viên “mới vào nghề” càng nên ý thức hơn về trách nhiệm đó, để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ của mình. Đó là một việc làm thiết thực góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội./.