Bài viết

null Cấp thiết đưa tinh thần và nội dung Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào chương trình giảng dạy lý luận chính trị

Trang chủ Tin tức - Sự kiện

Cấp thiết đưa tinh thần và nội dung Hội nghị Văn hóa toàn quốc vào chương trình giảng dạy lý luận chính trị

TS. Nguyễn Quốc Trung

 

Văn hóa có vai trò hết sức quan trọng, là nền tảng tinh thần, động lực phát triển của xã hội. Trải qua hàng nghìn năm lịch sử dựng nước và giữ nước, ông cha ta đã xây dựng nên một nền văn hóa đặc sắc, kết tinh quá trình lao động sáng tạo, mang đậm tâm hồn cốt cách dân tộc. Chính nhờ có một nền văn hóa thấm đẫm bản sắc dân tộc làm bệ đỡ, dân tộc Việt Nam đã vượt qua được mọi thử thách cam go, không ngừng tiến lên theo dòng chảy của lịch sử.

Mỗi giai đoạn lịch sử, dù hoàn cảnh có khác nhau, song văn hóa vẫn luôn là những giá trị cốt lõi định hướng và thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Trong dòng chảy lịch sử cách mạng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, những giá trị truyền thống văn hóa đã chấp cánh cho khát vọng độc lập dân tộc, đã phát huy đến mức cao nhất chưa từng có sức mạnh dân tộc – “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do!”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ, xâm lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”,… dân tộc Việt Nam đã làm nên những thắng lợi vĩ đại trong thế kỷ XX – đó là thắng lợi của những giá trị mang tầm thời đại.

Những giá trị tốt đẹp của truyền thống lịch sử văn hóa đã tạo ra một môi trường đổi mới, sự sáng tạo vô bờ bến trong tư duy, nhận thức của con người, đồng thời, còn quyết định hành động đúng đắn, linh hoạt và phù hợp của con người với sự phát triển của thực tiễn.

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng (2021) đã đề ra những mục tiêu chiến lược (đến 2025, đến 2030 và đến 2045), để thực hiện thắng lợi những mục tiêu đó, Đảng xác định phải khơi dậy “khát vọng dân tộc” – khơi dậy khát vọng dân tộc chính là phát huy những giá trị tốt đẹp của truyền thống lịch sử văn hóa mấy nghìn năm của dân tộc Việt Nam.

Triển khai và và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, sáng 24/11/2021, tại phòng họp Diên Hồng (toà nhà Quốc Hội), Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã được khai mạc, đã 75 năm (từ ngày 24/11/1946) Việt Nam mới lại có Hội nghị toàn quốc về văn hóa, từ đó khẳng định tầm vóc và quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong việc chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam, phát huy các giá trị văn hóa làm mục tiêu, làm động lực cơ bản thúc đẩy sự phát triển của đất nước.

Với tính chất và tầm quan trọng của Hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đến dự và có bài phát biểu quan trọng định hướng và chỉ đạo hội nghị.  Theo Tổng Bí thư, văn hóa là những gì tinh hoa, tinh tuý nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ. Còn những gì xấu xa, việc làm ti tiện, đớn hèn, những hành động phi pháp, bỉ ổi... là vô văn hóa, phi văn hóa, phản văn hóa. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng.

Tổng Bí thư nhấn mạnh sự đồng tình với quan điểm “Văn hóa là bản sắc của dân tộc, văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất”. Văn hóa làm nên hồn cốt của dân tộc nên mất văn hóa là mất dân tộc.

Tổng Bí thư khẳng định nhận thức của Đảng ta về văn hóa trong thời kỳ đổi mới ngày càng được hoàn thiện và sâu sắc hơn, việc triển khai trong thực tế cũng tốt hơn nên gần đây văn hóa có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống, đi vào cả trong chính trị và trong kinh tế, công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa có bước khởi sắc.

Đánh giá về những hạn chế, khuyết điểm trong lĩnh vực văn hóa, Tổng Bí thư chỉ ra những nguyên nhân, trong đó khẳng định nguyên nhân chủ quan là chính. Đó là một bộ phận cán bộ văn hóa chưa nhận thức đầy đủ toàn diện đường lối văn hóa của Đảng, phương thức quản lý văn hóa chậm đổi mới... thể chế hóa thiếu đồng bộ, cán bộ thực hiện thiếu quyết liệt, thiếu hiệu quả...

Xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa của dân tộc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ 6 nhiệm vụ trọng tâm và 4 giải pháp cơ bản. Đồng thời, để gợi mở cho việc xây dựng, giữ gìn, chấn hưng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, Tổng Bí thư có một gợi mở hết sức gần gũi với cuộc sống của mỗi con người Việt Nam, đó là : “Giữ lấy nếp nhà, giữ lấy chân quê”. “giữ cho đẹp cái tình thủy chung, sau trước...”…

Cuối bài viết, Tổng Bí thư đã thể hiện lòng tin, sự quyết tâm của cả dân tộc trong xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa: Tôi tin rằng, với một Đất nước, một Dân tộc trọng văn hiến, trọng hiền tài, giàu truyền thống yêu nước và cách mạng; Nhân dân đoàn kết, cần cù, sáng tạo; đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ tâm huyết, tài năng, có trách nhiệm cao với Nhân dân, với Đảng, với Tổ quốc và tương lai của Dân tộc; cùng với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, nhất định chúng ta sẽ khắc phục được mọi khó khăn, vượt qua mọi thách thức để chấn hưng và xây dựng thành công một nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp tục làm vẻ vang thêm cho Dân tộc, cho Giống nòi, tạo thành sức mạnh vô song để xây dựng Tổ quốc ta ngày càng cường thịnh, Nhân dân ta ngày càng hạnh phúc, Đất nước ta ngày càng phồn vinh, xứng đáng với truyền thống ngàn năm văn hiến và anh hùng của một Dân tộc anh hùng, sánh vai với các cường quốc năm châu trên thế giới.

Hội nghị văn hóa toàn quốc cũng đã nhận được nhiều bài tham luận sâu sắc, nhiệt huyết, có trách nhiệm với việc xây dựng, chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam của nhiều nhà khoa học, nhà văn hóa, văn nghệ sĩ, nhà quản lý văn hóa, quần chúng nhân dân,…Các bài tham luận đã khai thác nhiều khía cạnh khác nhau của lĩnh vực văn hóa, đời sống văn hóa,…nhưng cuối cùng đều có chung cảm nhận về sự cần thiết phải xây dựng, chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu mới. Làm cho văn hóa trở thành hạt nhân cốt lõi để “khơi dậy khát vọng con người Việt Nam, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Đội ngũ cán bộ cơ sở là hạt nhân cốt lõi trong triển khai và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và những nội dung đã được quán triệt tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng ở trường Chính trị cấp thiết phải nghiên cứu, quán triệt và cập nhật được tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tinh thần Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII đến với đội ngũ cán bộ cơ sở, làm hạt nhân trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân. Để thực hiện tốt yêu cầu này, cần thực hiện tốt và có hiệu quả một số nội dung sau:

Thứ nhất, trường Chính trị và đội ngũ giảng viên của các trường Chính trị cần phải quán triệt sâu sắc tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tinh thần Hội nghị văn hóa toàn quốc, quán triệt tốt tinh thần bài phát biểu chỉ đạo hội nghị của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm cơ sở cho công tác nghiên cứu và lồng ghép những giá trị văn hóa, những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc vào trong từng tiết giảng, bài giảng, đưa văn hóa vào trong chính trị, chương trình trung cấp lý luận chính trị.

Thứ hai, trường Chính trị và đội ngũ giảng viên phải tích cực nghiên cứu nắm vững, nắm chắc những kiến thức văn hóa, những giá trị văn hóa của quê hương, vùng miền, của đất nước con người Việt Nam và lồng ghép một cách phù hợp, có hiệu quả vào trong chương trình giảng dạy, bài giảng của giảng viên, làm cho văn hóa thực sự đi vào cuộc sống, đi vào nhận thức, trở thành tư duy và hành động của đội ngũ cán bộ các cấp, trong đó, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cơ sở.

Thứ ba, phải xây dựng được môi trường văn hóa, ứng xử văn hóa trong trường chính trị và ngay trong bài giảng lý luận chính trị nhằm tạo ra môi trường văn hóa sáng tạo trong học tập, nghiên cứu và vận dụng chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong thực tiễn cuộc sống, tạo ra động lực mạnh mẽ thúc đẩy cho sự phát triển.

Các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp đã chứng minh được giá trị trong dòng chảy lịch sử dân tộc, trong giai đoạn hiện nay, trước sự tác động vô cùng mạnh mẽ của các nhân tố mới, để thực hiện được những mục tiêu chiến lược đã được đặt ra, giữ vững được định hướng xã hội chủ nghĩa thì yêu cầu cấp thiết phải chấn hưng, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, làm cho các giá trị đó trở thành “khát vọng”, trở thành động lực cho sự phát triển. Chỉ có khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc mới thúc đẩy được con người, dân tộc Việt Nam tiến lên và khát vọng đó chỉ có thể thực hiện được trên cơ sở phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

----------------------

Tài liệu tham khảo:

1/- Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện ĐHĐBTQ lần thứ XIII của Đảng, Nxb CTQG Sự Thật, Hà Nội, 2021

2/- Nguyễn Phú Trọng: Bài phát biểu tại Hội nghị văn hóa toàn quốc triển khải thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (https://tuyengiao.vn/video/Thoi-su-chinh-tri/toan-van-bai-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-tai-le-quoc-gia-50-nam-thuc-hien-di-chuc-ho-chi-minh-2888)

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin