Bài viết

null Năm Dần sử kiện Đất và Người

Trang chủ Tin tức - Sự kiện

Năm Dần sử kiện Đất và Người

Nguyễn Phước Tài

Khoa Lý luận cơ sở

Với những biến cố do dịch bệnh Covid – 19 gây ra đã làm ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội ở nước ta. Tuy vậy, với sự lạc quan, tin tưởng vào ngày mai, tin tưởng vào năm Nhâm Dần 2022 sẽ mang đến nhiều an vui, cuộc sống sẽ tươi đẹp hơn và nhà nhà hạnh phúc hơn.

Hôm nay là ngày 22 tháng Chạp năm Tân Sửu 2021, hòa mình vào không khí chào đón năm mới, tôi chia sẻ bài viết này đến quý bạn đọc các sử liệu lịch sử năm DẦN, cũng như những nhân vật sinh năm DẦN được sử sách nước ta ghi lại.

1. Sử kiện các năm DẦN

- Nhâm Dần (42 Sau công nguyên) Mã Viện đem quân sang đánh Trưng Nữ Vương. Bên ta vì quân ít thế cô nên hai Bà phải lui quân về Cẩm Khê và nhảy xuống Hát Giang tự vẫn. Rồi để hù dọa dân Lạc Việt, Mã Viện cho lập trụ đồng và khắc sáu chữ: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt”. Giao Châu lại bị ngoại bang đô hộ.

- Giáp Dần (114) Nhật Nam bị sóng thần làm sụt đất xuống biển hằng trăm dặm.

- Canh Dần (210) Tôn Quyền chúa Ðông Ngô sai Bộ Chất làm thứ sử Giao Châu.

- Bính Dần (546) Trần Bá Tiên đánh thành Gia Ninh, Lý Bôn (Lý Nam Ðế) lui về giữ Tân Xương, sau đó giao binh quyền cho phó tướng Triệu Quang Phục ngăn chống quân Lương.

- Canh Dần (570) Triệu Việt Vương chia đất và kết sui gia với Lý Phật Tử nhưng bị lầm kế gián điệp, nên bị thua trận phải tự vẫn.

- Mậu Dần (618) Nhà Tùy sai sứ sang dụ hàng Tiết độ sứ Giao Châu là Khấu Hòa nhưng bất thành nên đem quân sang đánh, Khấu Hòa về hàng Nam Ðường.

- Giáp Dần (714) Ðời Ðường Huyền Tông, Chiêm Thành không triều cống nước Tàu, lại còn đem quân sang quấy nhiễu Giao Châu.

- Giáp Dần (834) Quân Nam Chiếu sang cướp phá Giao Châu bị thứ sử kiêm kinh lược sứ Bùi Nguyên Hựu dẹp tan.

- Mậu Dần (858) Quân Nam Chiếu lại sang cướp phá Giao Châu, quan kinh lược sứ Giao Châu là Vương Thức đem quân đánh đuổi giặc tận Vân Nam. Giao Châu tạm yên từ đó.

- Bính Dần (906) Ðường Tuyên Ðế gia phong chức Ðồng Bình Chương Sự cho Tịnh Hải Tiết Ðộ Sứ Giao Châu là Khúc Thừa Dụ.

- Bính Dần (966) Nam tấn Vương Ngô Xương Văn mất, kéo theo sự sụp đổ của nhà Ngô. Khắp nơi quần hùng nổi lên thành loạn thập nhị sứ quân. Vua Ngô là Xương Xí chỉ còn giữ được đất Bình Kiều. Ðinh Bộ Lĩnh dẹp tan loạn sứ quân thống nhất đất nước.

- Canh Dần (990) Vua Lê Ðại Hành đánh chiếm ba châu Ðịa Lý, Ma Linh và Bố Chính của Chiêm Thành. Sau đó sai Phụ quốc tướng quân Ngô Tử An đem 3 vạn quân, mở con đường từ biên giới Chiêm Việt ở Thạch Hà (Hà Tĩnh) tới châu Ðịa Lý (Quảng Bình). Ðây là con đường bộ đầu tiên của nước ta.

- Nhâm Dần (1002) Vua Lê Ðại Hành sửa sang pháp luật, định lại triều cương, tăng cường quân sự, khuyến khích nông nghiệp, nuôi ý chí bành trướng về phương Nam để giải quyết nạn nhân mãn tại đồng bằng sông Hồng.

- Giáp Dần (1014) Quân Nam Chiếu lại xâm lấn miền thượng du Bắc Việt, vua Lý Thái Tổ sai Dực Thánh Vương đi tiễu trừ, thắng trận và bình định được toàn vùng.

- Mậu Dần (1038) Nùng Tôn Phúc chiếm đất Quảng Nguyên (Cao Bằng) và quy phục nhà Tống, bị vua Lý Thái Tôn bắt được và xử tử. Con Tôn Phúc và Trí Cao lại làm phản, chiếm Quảng Nguyên và Ung Châu lập nước Ðại Nam, bị tướng nhà Tống là Ðịch Thanh dẹp yên.

- Giáp Dần (1074) Chế Củ được vua Lý Thánh Tôn tha về nước nhưng ngôi vua Chiêm Thành đã lọt về tay Madhavamurty nên nội chiến lại xảy ra. Cuối cùng Harivarman 4 lên làm vua, đem quân đánh Ðại Việt và Chân Lạp. Lý Thường Kiệt dẹp yên đồng thời tổ chức cuộc di dân tới ba châu Ðịa Lý, Ma Linh và Bố Chính vừa mới chiếm của Chiêm Thành. Ðây là cuộc di dân đầu tiên của Ðại Việt.

- Canh Dần (1170) Vua Jaya Indravarman sau khi giao hảo với Ðại Việt, đem quân đánh Chân Lạp, phá thành Angkor giết vua nước này và cướp hết tài sản đem về nước. Nhưng không bao lâu, Chiêm Thành lại bị vua Java Varman 7 của Chân Lạp nổi lên chiếm lại kinh đô Angkor và đánh đuổi quân Chiêm ra khỏi nước.

- Mậu Dần (1218) Liên quân Chiêm Thành và Chân Lạp cướp phá Nghệ An nhưng bị tướng trấn thủ là Lý Bất Nhiễm đánh tan.

- Bính Dần (1266) Java Indravaman 6 bị cháu là Cri ám sát cướp ngôi lên làm vua. Ðó là Indravarman 5, trong lúc cả Ðại Việt lẫn Chiêm Thành đang bị Mông Cổ lăm le xâm chiếm.

          + Vua Trần Thánh Tôn sai sứ sang nhà Nguyên yêu cầu bỏ lệnh bắt nước ta cống nho sinh (tú tài), thợ thuyền và các kỹ thuật gia, chỉ chấp thuận để tướng Mông Cổ là Nột Loát Ðài làm Ðạt Lỗ Cát Tề ở Ðại Việt. Ðây là chiến thuật hòa hoãn của nhà Trần trước ý đồ xâm lược lần thứ 2 của Nguyên-Mông.

+ Tháng Chạp cùng năm, vua Nguyên lại sai Sài Thung sang hạch hỏi nước ta về lý do không chịu thi hành 6 điều khoản của Mông Cổ. Vì ghét tướng giặc hống hách nên vua nhà Trần không thèm trả lời và đánh đuổi tên giặc này về nước. Ðó là nguyên nhân để Mông Cổ sang đánh nước ta lần thứ 2 nhưng cuối cùng cũng bị quân dân Ðại Việt đánh tan.

- Canh Dần (1290) Sau khi chiến thắng quân Mông-Nguyên lần thứ 3, thượng hoàng Trần Thánh Tông và vua Nhân Tông luận công định tội quần thần. Tháng 5 thượng hoàng mất tại phủ Thiên Trường, vua Nhân Tông sai sứ sang Yên Kinh báo tang và xin thụ phong.

- Nhâm Dần (1302) Vua Chiêm là Chế Mân cử phái đoàn sang Ðại Việt cầu hôn công chúa Huyền Trân nhưng dù đã được thượng hoàng Nhân Tông hứa gả vẫn bị vua Anh Tông và triều thần từ chối. Cuối cùng Chế Mân xin dâng hai châu Ô, Rí (Quảng Trị và phía bắc Thừa Thiên Huế ngày nay) làm sính lễ mới được nhà Trần chịu gả.

- Mậu Dần (1398) Hồ Quý Ly tự xưng Khâm Ðức Hưng Liệt Ðại Vương Quốc Tổ Nhiếp Chính, để lộ ý định thoán đoạt nhà Trần. Lại sai đạo sĩ Nguyễn Khánh dụ vua Thuận Tôn nhường ngôi cho Thiếu Ðế để đi tu. Nhân có Trần Thiểm Bình chạy sang Tàu cầu cứu, nhà Minh vin vào lý do trên sang xâm lược và đô hộ nước ta hơn 10 năm.

- Nhâm Dần (1422) Giặc Minh và Lào liên kết vây đánh Bình Ðịnh Vương Lê Lợi nhưng ông thoát được về cố thủ tại núi Chí Linh.

- Giáp Dần (1434) Lê Thái Tổ mất, thừa dịp vua Thái Tôn còn nhỏ nên vua Chiêm là Bồ Ðề sang cướp chiếm Hóa Châu nhưng bị các tướng Lê Chuyết, Lê Liệt và Trần Lê Khôi đánh tan.

- Bính Dần (1446) Lê Thụ, Lê Khả đem quân đánh Chiêm Thành vây hãm thành Ðồ Bàn (Bình Ðịnh) bắt vua Chiêm là Bì Cai cùng cung tần đem về Thăng Long, lập cháu vua Bồ Ðề là Ma Kha Qui Lai lên làm vua.

- Mậu Dần (1458) Bà La Trà Duyệt, cháu vua Bì Cai giết vua Quý Do cướp ngôi và thông hiếu với nhà Minh. Trà Duyệt chết, con là Trà Toại lên làm vua vẫn tiếp tục gây hấn với Ðại Việt.

- Canh Dần (1470) Theo gót Chế Bồng Nga, Trà Toại đem 10 vạn quân cướp phá Hóa Châu. Do đó vua Lê Thánh Tông đem lực lượng thủy bộ chinh phạt Chiêm Thành, đuổi Trà Toại chạy vào sông Phan Lang (Ninh Thuận), giải phóng đồng bào Thượng tại Cao Nguyên Trung Phần khỏi ách nô lệ của người Chàm, đồng thời rạch hẳn biên giới ngăn cấm người Thượng không được tràn xuống cướp phá đồng bằng. Lập bia tại núi Thạch Bi (giữa Khánh Hòa, Phú Yên) để định biên giới Việt-Chiêm. Bắt đầu từ đó Chiêm Thành suy yếu cho tới khi diệt vong.

- Canh Dần (1530) Con Nguyễn Hoàng Dụ là Nguyễn Kim quyết tâm trung hưng nhà Lê nên đem quân từ Lào về đánh nhà Mạc chiếm Thanh Hóa và lập con cháu nhà Hậu Lê là Lê Duy Năng lên làm vua Lê Trung Tông.

- Giáp Dần (1554) Nhà Mạc sai Kỳ Giang Bá Phạm Khắc Khoan vào đánh Thuận Hóa.

- Mậu Dần (1578) Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cử Lương Văn Chánh làm Biên quan mở mang bờ cõi về phương Nam, di dân tới lập nghiệp tại Bình Ðịnh, Phú Yên.

- Nhâm Dần (1602) Nguyễn Hoàng lập phủ Quảng Nam và sai thế tử Nguyễn Phúc Nguyên vào trấn thủ. Hội An từ đó trở thành thương cảng lớn của châu Á, có nhiều người phương Tây, Nhật, Tàu lui tới làm ăn buôn bán với cái tên ngoại quốc là Faifo. Chúa Nguyễn Hoàng xây chùa Sùng Hóa ở xã Triêm Ân (Phú Vang, Thừa Thiên).

- Bính Dần (1626) Tháng 3 Sãi vương Nguyễn Phúc Nguyên dời dinh vào xã Phước Yên (Quảng Ðiền ,Thừa Thiên) để đề phòng chiến tranh với họ Trịnh ở phương Bắc. Tháng 8, vì chúa Nguyễn không chịu nộp thuế nên Trịnh Tráng sai Nguyễn Khải và Nguyễn Danh Thế đem 5000 quân vào đóng ở Hà Tĩnh, đồng thời sai Nguyễn Hữu Bổn mang sắc chỉ của vua Lê vào Thuận Hóa đòi thuế nhưng Sãi Vương tìm cớ chối từ. Cuộc nội chiến giữa hai họ Trịnh-Nguyễn bắt đầu từ đó.

- Mậu Dần (1638) Chúa Thần Tôn ở Nam Hà đặt ra tứ trụ đại thần nội tả, ngoại tả, nội hữu, ngoại hữu và các chức tri phủ, tri huyện để cai trị dân chúng địa phương.

- Giáp Dần (1674) Nặc Ông Ðài cầu viện quân Xiêm về đánh Chân Lạp, Nặc Ông Nộn sang cầu cứu. Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần sai cai cơ Nguyễn Dương Lâm đánh quân Xiêm, phá đồn Sài Côn, xây thành Nam Vang, Nặc Ông Ðài chạy trốn và chết trong rừng. Hiền Vương lập Nặc Ông Thu làm vua Lục Chân Lạp và Nặc Ông Nộn làm phó vương ở Sài Côn. Cũng từ đó người Việt bắt đầu vào khẩn hoang lập ấp tại miền Thủy Chân Lạp.

- Bính Dần (1686) Qua báo cáo của Verret tại công ty Ðông Ấn, thực dân Pháp đã có ý định chiếm Côn Ðảo của Việt Nam nhưng chưa thực hiện thì bị Anh chiếm trước vào năm 1702.

- Mậu Dần (1698) Sau khi bình định xong Chiêm Thành, Ninh Vương Nguyễn Phúc Chu cử thống soái Nguyễn Hữu Cảnh (Kính) làm kinh Lược Sứ phương Nam. Người Việt tại Ngũ Quảng theo chân đoàn quân Nam tiến tới lập nghiệp tại các vùng vừa khai phá. Chúa Nguyễn đặt phủ Gia Ðịnh, chia đất Ðông Phố, lấy xứ Ðồng Nai lập huyện Phước Long, dinh Trấn Biên cùng xứ Sài Gòn làm huyện Tân Bình.

- Canh Dần (1710) Chúa Nguyễn Phúc Chu đúc chuông chùa Thiên Mụ nặng 3285 kg. Chúa còn đích thân làm bài minh khắc vào chuông.

- Nhâm Dần (1722) Nặc Yêm thoái vị nhường ngôi cho con là Nặc Tha. Bấy giờ Chân Lạp có tới 4 vị vua, chia nhau rước quân Xiêm và Việt vào đánh nhau, gây cảnh nội chiến, khiến cho đất nước loạn lạc, dân chúng lầm than khốn khổ.

- Bính Dần (1746) Ðời chúa Túc Tông, vì tiền đồng bị dân chúng dùng để đúc đồ dùng nên mua kẽm Hà Lan đúc tiền. Sự lưu hành đồng tiền này đã gây nên cuộc khủng hoảng tiền tệ vì các thương gia ngoại quốc không chấp nhận sử dụng tiền kẽm.

- Canh Dần (1770) Mọi Ðá Vách (Hre) ở phía Tây Quảng Ngãi xuống cướp phá dân chúng ở bình nguyên. Chúa Nguyễn sai ký lục Quảng Nam là Trần Phước Thành đem quân 5 đạo đánh dẹp mới yên. Ông cho đặt các đồn binh dọc theo biên giới để trấn áp và bảo vệ dân chúng.

- Nhâm Dần (1782) Tây Sơn vào đánh trấn Thuận Thành do cai tổng Tá là người Chiêm cai quản. Tá đem quốc ấn Chiêm Thành giao cho Tây Sơn nên được giữ lại chức cũ. Tây Sơn đánh thành Sài Côn, Nguyễn Ánh thua chạy ra Phú Quốc nhưng vẫn giữ được quốc ấn do chúa Nguyễn Phúc Chu đúc năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709). Ấn này được các vua nhà Nguyễn làm quốc bửu truyền ngôi từ năm 1802-1945. Trong lúc bị Nguyễn Huệ đuổi tại cửa Cần Giờ, thuyền Nguyễn Ánh được cá voi cứu vớt nên thoát chết. Vì vậy sau khi lên ngôi hoàng đế năm 1802 thống nhất Việt Nam, lập ra nhà Nguyễn. Vua đã phong chức cho cá voi là Nam Hải Ðại Tướng Quân, lập miếu phụng thờ cúng tế. Tục thờ cá ông từ phía nam đèo Ngang vào tới Hà Tiên có từ đó và trở thành tín ngưỡng của ngư dân Việt Nam tới bây giờ.

- Giáp Dần (1790) Vua Xiêm cho Nặc Ấn trở về làm vua Chân Lạp đóng đô tại Oudong nhưng lại chiếm nửa nước này ở phía Tây nhập vào lãnh thổ mình. Nguyễn Ánh lại đem quân đánh Tây Sơn tại cửa Thị Nại (Qui Nhơn). Tháng 4, tướng Tây Sơn là Nguyễn Văn Huy và Trần Quang Diệu đem quân thủy bộ vào đánh Phú Yên và Diên Khánh, chúa Nguyễn Ánh từ Gia Ðịnh ra tiếp cứu nên quân Tây Sơn rút về. Nhưng khi quân Nguyễn Ánh về Nam, Tây Sơn vây hãm Diên Khánh, Bình Thuận.

- Bính Dần (1806) Nguyễn Ánh xưng ngôi Hoàng đế, trở thành vị vua đầu tiên của triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam

- Mậu Dần (1818) Vua Gia Long sai trấn thủ trấn Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thoại huy động 1500 dân công người Việt và Khmer đào sông Tam Khê (kênh Thoại Hà) dài 12.410 tầm khoảng 31.769m, rộng 10 trượng (40m) và sâu 18 thước ta (7,2m).

- Canh Dần (1830) Nhà Nguyễn cử nhiều đoàn sứ thần đến các nước trên thế giới để thiết lập và phát triển quan hệ ngoại giao.

- Giáp Dần (1854) Triều đình Huế cấm đạo gay gắt, quan lại tỉnh Bình Ðịnh phái quân sĩ lên tận cao nguyên Trung phần lùng bắt giáo sĩ và giáo dân nhưng thất bại vì người Thượng không chịu hợp tác và chỉ đường.

- Bính Dần (1866) Người Việt đầu tiên ở Campuchia là Nguyễn Văn Ngân được Pháp cho giữ chức Châu Vay Khand (cai tổng) làng Việt kiều Vĩnh Lợi Tường, An Bình thuộc tỉnh Prey Veng, đối diện với Tịnh Biên tỉnh Châu Ðốc. Triều đình Huế gặp khó khăn với hãng buôn Anh Bona ở Hương Cảng về vụ mua lại chiếc tàu cũ. Lợi dụng việc vua Tự Ðức sai Phan Thanh Giản vào Nam nhờ Pháp giúp đỡ, thực dân ép Việt Nam nhường thêm ba tỉnh miền Tây Nam Kỳ nhưng bị từ chối. Tuy vậy La Grandiere vẫn ra lệnh tấn chiếm 3 tỉnh này. Tháng 5, thống soái Nam Kỳ sai Francis Garnier cầm đầu phái đoàn quân sự thám sát sông Mê Kông tới tận miền Nam Trung Hoa. Sau đó Garnier báo cáo về Pháp yêu cầu phải chiếm Bắc Kỳ để làm thuộc địa thì mới cạnh tranh buôn bán nổi với Anh, Bồ, Hà Lan..

- Mậu Dần (1878) Hội địa dư thương mại Paris tổ chức hội chợ thương mại quốc tế, dùng tài liệu ngụy tạo để lường gạt dư luận trong và ngoài nước, để Pháp có lý do xâm lăng Bắc Kỳ, qua cái gọi là thi hành hiệp ước 1874 được ký kết giữa Pháp và triều đình Huế. Theo hòa ước trên, Rheinart được Pháp đặt làm khâm sứ tại Huế nhưng không được triều đình ta chấp thuận nên Pháp cử Philastre thay thế vào năm 1878. Sự căng thẳng giữa hai nước đã gây nên cuộc chính biến tại kinh thành Huế năm 1885, sau khi vua Tự Ðức băng hà. Ðể mở mang dân trí, vua Tự Ðức khuyến khích mọi người đóng thuyền sang Hương Cảng lập công ty làm ăn buôn bán, đồng thời còn cấp học bổng cho những người thông kinh sách đi Pháp và Hồng Kông du học trong 5 năm và sẽ được bổ làm quan sau khi tốt nghiệp. Truyền thống này đã có từ thời Minh Mạng khi nhà vua lập ra Tứ Ðịch Quán được coi như trường dạy ngoại ngữ đầu tiên của nước ta tại Huế.

- Canh Dần (1890) Pháp nhập ba châu Sơn Tịnh, Nghĩa Hành, Mộ Ðức vào phủ Tư Nghĩa, còn trấn Sơn Phòng cũng giao luôn cho tỉnh Quảng Ngãi. Thay chức bố chánh bằng tuần vũ cai trị tỉnh Quảng Ngãi gồm phủ Tư Nghĩa và 6 huyện trực thuộc. Phái đoàn thám hiểm nguời Pháp do Capet, Corgiard cầm đầu, khởi hành từ Sài Gòn đi dọc theo biên giới Việt-Miên-Lào tới được tỉnh Kon Tum. Họ đã thành công kêu gọi người Thượng đoàn kết đánh đuổi quân Xiêm La ra khỏi lãnh thổ cao nguyên Trung Phần, đã từ Lào tràn sang cướp phá và giết hại đồng bào. Bác Sĩ Yersin người Thụy Sĩ, cũng là một nhà bác học vì đã tìm ra được vi khuẩn gây bệnh bạch hầu (Tixinediphterique). Nhưng vì ham thích đi đó đây, nên đã bỏ phòng thí nghiệm tại Paris để xin làm một bác sĩ trên thương thuyền chạy đường Sài Gòn-Manilla. Sau đó ông định cư hẳn tại Nha Trang (Khánh Hòa), thám hiểm Ðà Lạt và phát minh thuốc chữa bệnh dịch hạch.

- Nhâm Dần (1902) Tiểu La Nguyễn Thành một chí sĩ cần vương tại Quảng Nam, cùng Phan Bội Châu lập Việt Nam Quang Phục Hội, tôn Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể làm minh chủ với tôn chỉ dùng vũ lực đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi nước Việt Nam. Ngày 4/7 Pháp trả tỉnh Kon Tum và quận Ban Don cho Việt Nam sau một thời gian nhập vào Lào. Toàn quyền Ðông Dương Paul Beau có công phổ biến chữ Quốc Ngữ và nền tân học.

- Giáp Dần (1914) Ðại chiến thứ nhất bùng nổ (1914-1918), để phòng Phan Chu Trinh đang ở Pháp theo Ðức, thực dân bắt ông giam vào ngục Sante (Paris) một năm sau mới thả.  Nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp tại Lào Kai, Yên Bái, Phú Thọ.. do Việt Nam Quang Phục Hội lãnh đạo.

- Bính Dần (1926) Nhiều thanh niên trí thức Việt Nam gồm Nhượng Tống, Hoàng Phạm Trân, Nguyễn Thái Học, Phan Tuấn Tài, Hồ Văn Mịch.. lập Nam Ðồng Thư Xã ở Hà Nội, xuất bản các loại sách chính trị với mục đích phổ biến sâu rộng tới đồng bào những tư tưởng cách mạng của Gandhi, Tôn Văn. Nhưng chỉ thời gian ngắn, Pháp tịch thu hết sách báo và đóng cửa Nam Ðồng Thư Xã. Ngày 24/3 Tây Hồ Phan Chu Trinh tạ thế tại Phú Nhuận (Sài Gòn). Quốc dân cả nước kể cả người Việt tại Miên, Lào, Thái lập bàn truy điệu và tới đưa đám tang trên hàng vạn người, nhiều học sinh bãi khóa, bất chấp thực dân ngăn cấm, đuổi học và bắt bớ giam cầm. Khải Ðịnh chết, Bảo Ðại từ Pháp trở về Việt Nam lên ngôi hoàng đế Ðại Nam, rồi lại sang Pháp tiếp tục học. Ngày 1/12 Phan Bội Châu đột ngột rời Huế ra Hà Nội nhưng bị mật thám Pháp bắt tại Vinh và giải về Huế cấm cố cho tới ngày qua đời (1940).

- Mậu Dần (1938) Lê Hồng Phong triệu tập hội nghị Trung ương Đảng tại Hóc Môn (Gia Ðịnh). Theo tài liệu năm đó, đảng Cộng sản Việt Nam có 1000 cán bộ đảng viên và khoảng 40.000 cảm tình viên. Tại Việt Bắc, Lê Quảng Ba, Hoàng Sầm, Quốc Văn lập được một tiểu đội du kích cộng sản đầu tiên tại Cây Tác, song song với tiểu đội du kích thứ hai của Chu Văn Tấn ở Lạng Sơn.

- Canh Dần (1950) Chiến dịch Biên giới thắng lợi, quân ta giải phóng dải biên cương Việt - Trung dài 750 km, phá tan hành lang chiến lược và thế bao vây của thực dân Pháp.

- Bính Dần (1986) Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI bước đầu đề ra công cuộc đổi mới và phát triển toàn diện đất nước.

- Mậu Dần (1998) Kỷ niệm 300 năm thành lập Sài Gòn - Gia Định (thành phố Hồ Chí Minh), 30 năm chiến thắng Xuân Mậu Thân 1968, 25 năm ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại Việt Nam.

- Canh Dần (2010) Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, 35 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 65 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, 80 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Thống nhất Việt Nam. Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XI của Đảng.

2. Những người tuổi Dần tiêu biểu ở Việt Nam

- Vua Trần Thái Tông

Sinh năm 1218 (Mậu Dần ), mất năm 1277. Là vị vua đầu tiên của nhà Trần.

Quê quán ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (nay là Mỹ Lộc, Nam Định). Làm vua từ năm 7 tuổi (năm 1225), ở ngôi 32 năm, làm Thái Thượng hoàng 19 năm, từ khi truyền ngôi cho con là Thái tử Trần Hoảng (sau là Vua Trần Thánh Tông).

Ông đã lãnh đạo nhân dân Đại Việt chống lại cuộc xâm lược lần thứ nhất của quân Nguyên Mông. Với thắng lợi vẻ vang lưu truyền sử sách, đức vua Trần Thái Tông trở thành một vị minh quân. Ông còn được sử sách Phật giáo tôn xưng như bậc Thiền sư. Trần Thái Tông để lại cho đời sau một số tác phẩm như: Khóa hư lục, Thiền tông chỉ nam, Lục thời sám hối khoa nghi...

- Nhà Sử học Lê Văn Hưu

Lê Văn Hưu sinh năm 1230 (Canh Dần ), tại làng Phủ Lý, huyện Đông Sơn, (nay là xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa). Thuở nhỏ, khôi ngô tuấn tú, tư chất thông minh. Năm 18 tuổi, đỗ Bảng Nhãn (sau Trạng Nguyên) khoa thi Đình năm Đinh Mùi (năm 1248).

Sau khi thi đỗ, ông được giữ chức Kiểm pháp quan (trông coi việc Hình luật), rồi Hàn lâm Viện học sĩ, kiêm Quốc Sử Việt giám tu. Năm 1272, ông đã hoàn thành việc biên soạn “Đại Việt Sử ký”, bộ quốc sử đầu tiên của nước ta ghi lại những việc cốt yếu trong một thời gian lịch sử dài gần 15 thế kỷ, từ thời Triệu Đà (từ năm 136 trước Công nguyên đến thời Lý Chiêu Hoàng năm 1225), tất cả gồm 30 quyển và được Trần Thánh Tông xuống chiếu ban khen).

- Ngô Thì Nhậm

Ngô Thì Nhậm sinh năm 1746 (Bính Dần), là danh sĩ và là nhà văn đời Tây Sơn, tự là Hy Doãn, hiệu Đạt Hiên, còn gọi là Ngô Thời Nhiệm, người có công lớn trong việc giúp triều Tây Sơn đánh lui quân Thanh xâm lược năm 1789.

Ông xuất thân gia đình vọng tộc chốn Bắc Hà, là con Ngô Thì Sĩ, quê ở Thanh Oai, Hà Tây (nay thuộc Thanh Trì, Hà Nội).

Thi đỗ giải Nguyên năm 1768, rồi Tiến sĩ Tam giáp năm 1775. Ngô Thì Nhậm được bổ nhiệm làm quan Bộ Hộ dưới triều Lê - Trịnh. Năm 1790, Vua Quang Trung mất, ông lui về nghiên cứu Phật học. Tác phẩm còn để lại: Hải Dương chí lược, Hy Doãn thi văn tập, Xuân Thu quản kiến...

- Phan Huy Chú

Phan Huy Chú sinh năm 1782 (Nhâm Dần), là nhà thơ, nhà bác học thế kỷ XIX, tự là Lâm Khanh hiệu Mai Phong, sinh tại làng Thụy Khê, huyện Quốc Oai, tỉnh Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông là con của Phan Huy ích, nổi tiếng hay chữ từ nhỏ, thi đỗ Tú tài năm 1821. Minh Mạng biết tiếng, triệu ông vào kinh làm biên tu ở Viện Hàn lâm.

Năm 1824, ông được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh (Trung Quốc). Năm 1828, làm Phủ thừa phủ Thừa Thiên, Hiệp trấn Quảng Nam. Năm 1830, lại giữ chức Phó sứ sang nhà Thanh, trở về bị khiển trách vì tội lạm dụng quyền hành. Năm 1832, bị buộc sang Giang Lưu Ba (Indonesia).

Đời quan trường của Phan Huy Chú lúc thăng, lúc trầm, nên sinh chán nản, ông từ quan về làng dạy học, viết sách rồi mất vào năm 1840. Bộ sách Lịch triều Hiến chương loại chí, gồm 49 quyển sau 10 năm biên soạn là công trình biên khảo đồ sộ của ông. Ngoài ra, ông còn biên soạn các cuốn sách khác như: Hoàng Việt dư địa chí, Hoa thiều ngâm lục, và Hoa trình tục ngâm.

- Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sinh ngày 19/5/1890 (năm Canh Dần). Mất ngày 2/9/1969 tại Hà Nội. Năm 1911, Người ra nước ngoài, làm nhiều nghề, tham gia cuộc vận động cách mạng của nhân dân nhiều nước, đồng thời không ngừng đấu tranh cho độc lập, tự do của dân tộc mình.

Cách mạng Tháng Tám (1945) thành công, ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; tổ chức tổng tuyển cử tự do trong cả nước, bầu Quốc hội và thông qua Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam. Quốc hội khóa I (1946) đã bầu Người làm Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tại Đại hội lần thứ II của Đảng (1951), Người được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp xâm lược đã giành được thắng lợi to lớn, kết thúc bằng chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ (1954).

Cùng với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân Việt Nam chống chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ; lãnh đạo sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, lãnh tụ kính yêu của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam, một chiến sĩ xuất sắc, một nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản quốc tế và phong trào giải phóng dân tộc. Năm 1987, UNESCO đã tôn vinh Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam - Nhà văn hóa kiệt xuất”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhà văn, nhà thơ, nhà báo có nhiều tác phẩm viết bằng cả tiếng Việt, tiếng Hán, tiếng Nga, tiếng Pháp và tiếng Anh. Tác phẩm tiêu biểu: Bản án chế độ thực dân Pháp, Tuyên ngôn độc lập, tập thơ Nhật ký trong tù...

Tóm lại, hy vọng rằng trong năm DẦN sử lược về con HỔ sẽ mang lại nhiều may mắn chúng ta. Và nếu mọi người luôn chung lòng, chung sức thực hiện tốt 5K thì chắc chắn toàn Đảng, toàn dân ta sẽ hưởng được một mùa Xuân 2022, Xuân Nhâm Dần vui tươi, an lành, hạnh phúc hơn nữa bên gia đình và người thân!

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Những năm Dần trong lịch sử Việt Nam,

http://baotanglichsu.vn/vi/Articles/3096/5994/nhung-nam-dan-trong-lich-su-viet-nam.html

2. Phạm Bá Khiêm, Chuyện hổ năm dần,

http://svhttdl.phutho.gov.vn/tin/chuyen-ho-nam-dan_2201.html

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin