Bài viết

null Đồng Tháp – tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng

Trang chủ Tin tức - Sự kiện

Đồng Tháp – tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng

                                                           ThS. Nguyễn Bích Ngọc

                                                            Giảng viên – Khoa Xây dựng Đảng

Đồng Tháp là một trong những tỉnh miền Tây Nam Bộ có nguồn tài nguyên du lịch đa dạng, phong phú. Với tiềm năng đó, Đồng Tháp phát triển nhiều loại hình du lịch khác nhau như sinh thái, văn hóa, nông nghiệp, tâm linh… đặc biệt, có các lợi thế về tài nguyên, khả năng tiếp cận điểm đến, người dân địa phương thân thiện, hòa đồng, hiếu khách và sẵn sàng tham gia vào các hoạt động du lịch của địa phương. Đây là lợi thế rất lớn để có thể phát triển du lịch cộng đồng một cách hiệu quả trong thời gian tới.

Trước tiên, Đồng Tháp có nguồn tài nguyên du lịch  đa dạng, độc đáo cả về sinh thái và văn hóa: Với cảnh quan thiên nhiên và hệ sinh thái đa dạng, Đồng Tháp đã hình thành các điểm du lịch sinh thái kết hợp các hoạt động du lịch cộng đồng hấp dẫn như: Vườn Quốc gia Tràm Chim – Khu Ramsar thứ 4 của Việt Nam và thứ 2.000 của thế giới, Khu du lịch Gáo Giồng; những cánh đồng sen bạt ngàn của vùng Tháp Mười; làng hoa – kiểng Sa Đéc, những vườn trái cây trĩu nặng với nhiều giống loài đặc trưng của địa phương như: xoài Cao Lãnh, mận Hòa An, quýt hồng Lai Vung, nhãn Châu Thành… Bên cạnh đó, Đồng Tháp còn là vùng đất có truyền thống văn hóa – lịch sử lâu đời, với nhiều di tích lịch sử – văn hóa, làng nghề truyền thống như: Khu di tích Nguyễn Sinh Sắc, khu di tích Gò Tháp – di tích lịch sử đặc biệt cấp quốc gia, khu di tích Xẻo Quýt, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê; làng nghề dệt chiếu Định Yên, dệt choàng Long Khánh, nem Lai Vung… và các lễ hội đặc sắc: Gò Tháp, giỗ cụ phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, giỗ ông bà chủ chợ Cao Lãnh, các lễ hội du lịch nhằm giới thiệu những sản vật, văn hóa địa phương như: Lễ hội trái cây, liên hoan đờn ca tài tử, ngày hội Sen Đồng Tháp…Đây là những điểm nhấn độc đáo, mới lạ cả về văn hóa và sinh thái, là nguồn tài nguyên tự nhiên và nhân văn hấp dẫn có khả năng thu hút khách du lịch làm tiền đề cho sự phát triển du lịch cộng đồng của địa phương.

Thứ hai, Đồng Tháp đã và đang tăng cường khả năng tiếp cận điểm đến, rút ngắn khoảng cách giữa du khách và các điểm tham quan du lịch trong đó có các điểm du lịch cộng đồng. Ngoài việc tạo điều kiện về cơ sở hạ tầng, nâng cấp các tuyến đường quốc lộ, tỉnh lộ, nâng trọng tải cầu… tạo điều kiện cho các xe khách từ 30 đến 45 chỗ có thể dễ dàng đến được với các điểm du lịch chính; tỉnh còn nâng cấp, mở rộng các tuyến đường nhựa, đường dal đến các vùng nông thôn, tạo sự thuận lợi trong đi lại cho người dân và cả khách du lịch. Nếu như một số điểm du lịch cộng đồng như: Đồng sen Tháp Mười, vườn quýt hồng Lai Vung, làng chiếu Định Yên… trước đây chỉ có thể đi đến bằng xe máy hoặc xe ô tô 4 – 7 chỗ thì hiện nay đã có thể tiếp cận dễ dàng hơn, đón được xe từ 16 – 30 chỗ, tạo điều kiện đón các đoàn khách có số lượng vừa và nhiều. Những địa phương có vị trí cách xa trung tâm như: Tân Hồng, Hồng Ngự, Thanh Bình… sắp tới cũng sẽ không còn lo lắng về vấn đề tiếp cận điểm đến, bởi các tuyến quốc lộ N1, N2, quốc lộ 30 đã và đang hoàn thành, và dự kiến đầu tư xây dựng thêm một số tuyến cao tốc như: cao tốc Cao Lãnh - An Hữu, tuyến tránh QL30 và tuyến cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh nhằm rút ngắn khoảng cách từ Đồng Tháp đến các tỉnh trong và ngoài khu vực Đồng bằng Sông cửu Long.

Thế mạnh thứ ba của Đồng Tháp là sự hiện diện của cộng đồng dân cư sinh sống tại điểm đến hoặc tại khu vực liền kề phát triển du lịch mang màu sắc văn hóa bản địa riêng, tính cách thân thiện, gần gũi rất thích hợp để làm du lịch cộng đồng. Phong tục tập quán, lối sống, trình độ học vấn, quy mô cộng đồng, cơ cấu nghề nghiệp ... của cộng đồng địa phương là những yếu tố cần được xác định và đánh giá rõ ràng trước khi quyết định xây dựng điểm đến du lịch cộng đồng. Theo đó, đời sống kinh tế và văn hóa của người dân Đồng Tháp cũng chính là những nét rất riêng đối với du khách khi đến đây; từ quá trình làm ruộng, lên vườn, trồng sen, nuôi cá cho đến tham gia vào các làng nghề truyền thống: trồng hoa, làm bột, dệt chiếu, dệt khăn… mỗi một hoạt động đều mang một phong cách rất riêng của con người Đồng Tháp. Thêm vào đó, văn hóa đời sống với ngôi nhà sàn, chiếc xuồng ba lá trong mùa nước nổi; chiếc áo bà ba với khăn rằn của các cô chú thanh niên xung phong; văn hóa ẩm thực đa dạng với các món ăn đậm đà hương vị Đồng Tháp: Cá lóc nướng trui, cá lóc hấp mận, Bông súng mắm kho, Hủ tiếu Sa Đéc, Bánh Xèo Cao Lãnh, nước ép trái nhào, mật ong rừng tràm… cũng là những màu sắc văn hóa rất riêng mà người dân Đồng Tháp hình thành và gìn giữ suốt bao nhiêu năm qua. Bên cạnh đó, người dân Đồng Tháp còn được biết đến với tính cách đặc trưng của người dân Nam Bộ: thật thà, hiền lành, hiếu khách, phóng khoáng và hào hiệp; luôn tạo được ấn tượng tốt đẹp và để lại những tình cảm chân thành, khó quên trong lòng du khách khi đến đây. ….

Yếu tố thứ tư góp phần tạo điều kiện cho du lịch cộng đồng Đồng Tháp phát triển chính là sự tự nguyện của cộng đồng đối với đề xuất phát triển du lịch cộng đồng. Hầu hết các điểm du lịch cộng đồng tại Đồng Tháp được hình thành dựa trên cơ sở người dân tự nguyện tham gia trên cơ sở định hướng, đề xuất của các ban ngành, cơ quan quản lý nhà nước về du lịch từ cấp tỉnh xuống đến địa phương. Theo đó, các sở ban ngành sẽ xây dựng kế hoạch, đưa ra các chính sách, quy hoạch không gian và loại hình du lịch cho từng địa phương; các địa phương nghiên cứu, phát huy các lợi thế du lịch của riêng mình, hình thành các loại hình du lịch phù hợp, tư vấn giới thiệu cho người dân. Sau đó, tùy theo từng mô hình cụ thể mà người dân sẽ tham gia theo số lượng và mức độ khác nhau và kết quả là đến ngày 17 tháng 2 năm 2021, toàn tỉnh đã có 112 điểm du lịch cộng đồng được hình thành theo Quyết định số 202 /QĐ-UBND-HC của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Tháp. Hiện nay, trên 95% các điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp được tỉnh công nhận là do người dân tự tổ chức, tự quản lý dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và các đơn vị hữu quan.

Một yếu tố khác nữa, là nhu cầu đối với sản phẩm du lịch cộng đồng đang ngày càng tăng. Hiện nay, du lịch cộng đồng là một trong những xu hướng mới được du khách trong và ngoài nước quan tâm; tùy theo điều kiện khai thác du lịch từng địa phương mà các hoạt động của loại hình này sẽ bao gồm các sản phẩm du lịch khác nhau như: tát mương bắt cá, trại nuôi ong, chèo xuồng trong kênh rạch, tìm hiểu quy trình trồng lúa, tự mình hái trái cây, tìm hiểu công việc làm vườn, công việc nhà nông, đạp xe đạp vòng quanh cù lao và các trò chơi dân gian… Tại các điểm du lịch cộng đồng Đồng Tháp còn có một số sản phẩm du lịch khác khác như: nghe đờn ca tài tử, hò Đồng Tháp, tham quan và trãi nghiệm cách thức dệt chiếu, dệt khăn choàng, tắm cồn, thu hoạch sen, cưỡi trâu, tham gia các hoạt động ở các trang trại sinh thái (Ecofarm), lưu trú qua đêm ở các homestay, farmstay…. Các sản phẩm này đa dạng, nhiều màu sắc lại phù hợp cho mọi lứa tuổi, vùng miền nên được du khách yêu thích và nhu cầu trãi nghiệm cũng ngày càng nhiều.

Cuối cùng, các điểm du lịch cộng đồng của Đồng Tháp được sự quan tâm quy hoạch và đưa vào hệ thống tuyến điểm du lịch của lãnh thổ. Đồng tháp là tỉnh được sự quan tâm rất lớn từ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân Tỉnh, từ các cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và chính quyền địa phương nên trong quy hoạch và định hướng phát triển kinh tế du lịch, là một trong những lĩnh vực được quan tâm hàng đầu. Theo đó, tỉnh luôn đưa ra những định hướng, chính sách quy hoạch, quy định nhằm phát huy hiệu quả của hoạt động du lịch cộng đồng; thêm vào đó, các đề án phát triển du lịch, kế hoạch tập huấn, xúc tiến quảng bá,…cũng được xây dựng cho từng năm, từng giai đoạn nhằm góp phần thúc đẩy hoạt động du lịch cộng đồng được phát triển. Đồng thời, việc liên kết du lịch cũng được Tỉnh đặc biệt chú trọng: Đồng Tháp liên kết với thành phố Hồ Chí Minh trong khuôn khổ hợp tác du lịch giữa 2 địa phương, đặc biệt lên kế hoạch tổ chức diễn đàn kết nối du lịch giữa thành phố Hồ Chí Minh và 13 tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long lần thứ 2 tại Đồng Tháp. Việc liên kết các điểm du lịch cộng đồng với các điểm tham quan du lịch khác trong và ngoài tỉnh, hình thành các tuyến điểm du lịch liên tỉnh, liên vùng cũng được quan tâm thực hiện. Cụ thể là các điểm như: Đồng sen Tháp Mười, làng hoa – kiểng Sa Đéc, vườn quýt hồng Lai Vung…đã trở thành các điểm tham quan chính trong các chương trình du lịch nội tỉnh và một số chương trình du lịch cho khách từ các tỉnh, thành phố khác như Cần Thơ, Tp. Hồ Chí Minh…

Tóm lại, Du lịch cộng đồng là loại hình du lịch do cộng đồng dân cư tổ chức hoạt động dựa vào tài nguyên thiên nhiên, văn hoá địa phương…Phát triển du lịch cộng đồng sẽ tạo ra công ăn, việc làm và thu nhập cho người dân, góp phần bảo tồn văn hóa bản địa, phát triển kinh tế, xã hội địa phương, khôi phục và sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống, ẩm thực và đặc sản của địa phương... Với tiềm năng và thế mạnh sẵn có, đặc biệt là sự thân thiện, gần gũi của người dân và sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các đơn vị hữu quan, chắc chắn trong thời gian tới, du lịch cộng đồng của tỉnh ngày một vươn xa./.

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin