Bài viết

null Một số quy định của Tổ chức Lao động quốc tế về lao động trẻ em

Trang chủ Tin tức - Sự kiện

Một số quy định của Tổ chức Lao động quốc tế về lao động trẻ em

 

Ths. Nguyễn Quang Thành

Chi hội Luật gia Trường Chính trị

          Lao động trẻ em là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của cộng đồng quốc tế từ nhiều thế kỷ qua; đồng thời, đây cũng là nội dung thuộc đối tượng điều chỉnh trong pháp luật quốc gia cũng như cấp độ quốc tế. Từ thế kỷ XVIII, XIX, nhiều quốc gia châu Âu đã ban hành những đạo luật quy định về độ tuổi, thời gian lao động đối với đối tượng là lao động trẻ em như: Hà Lan (1815), Bỉ (1889), Hungari (1940) … Tuy nhiên, việc chống lại những hành vi lạm dụng, bóc lột lao động trẻ em chỉ thực sự có được những tiếng nói chung của cộng đồng quốc tế khi Tổ chức Lao động quốc tế (International Labour Organization – ILO) ra đời vào năm 1919.

          Thực vậy, Lời nói đầu của Hiến chương Tổ chức Lao động quốc tế đã yêu cầu bên cạnh việc cải thiện những điều kiện lao động bằng quy định về giờ làm việc, quy định về nguồn cung lao động, ngăn ngừa thất nghiệp, cung cấp mức lương đủ sống, bảo vệ người lao động chống lại ốm đau, bệnh tật và kêu gọi bảo vệ trẻ em, trẻ vị thành niên. Đặc biệt, tại Hội nghị Lao động quốc tế, phiên họp lần thứ 108 tại Geneva nhân dịp kỷ niệm Một Thế kỷ thành lập ILO, giữa các Quốc gia thành viên đã thông qua Tuyên bố Thế kỷ của ILO vì Tương lai Việc làm vào ngày 21 tháng 6 năm 2019. Trong đó, Hội nghị đã cùng nhau thống nhất thúc đẩy xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động trẻ em, thúc đẩy việc làm thỏa đáng cho tất cả mọi người và thúc đẩy hợp tác xuyên biên giới.

          Có thể nói, với những nỗ lực không ngừng nghỉ của các quốc gia và ILO trong suốt thập kỷ qua đã giúp cho tỷ lệ lao động trẻ em đã giảm 38%, gần 100 triệu trẻ em đã được giải phóng khỏi tình trạng lao động trẻ em, đưa số lượng lao động trẻ em giảm từ 246 triệu năm 2000 xuống còn 152 triệu vào năm 2016. Với tư cách là một tổ chức chuyên môn của Liên Hiệp quốc hỗ trợ các quốc gia nhằm thúc đẩy, cải thiện điều kiện lao động, ILO đã xây dựng khuôn khổ nhất định để giúp cho lao động trẻ em dưới hai nền tảng cơ bản sau:

          Thứ nhất, xác định độ tuổi tối thiểu để tham gia lao động của trẻ em. Nhiều công ước về độ tuổi tối thiểu trên từng lĩnh vực được thông qua xuyên suốt trong nhiều năm qua và bắt đầu từ Công ước tuổi tối thiểu trong lĩnh vực công nghiệp vào năm 1919 tại kỳ họp thứ nhất của Hội thảo lao động quốc tế. Trải qua gần 60 năm, 10 công ước và 04 khuyến nghị về độ tuổi tối thiểu ở các lĩnh vực đã được thông qua và sửa đổi.

          Chẳng hạn, trong Công ước về độ tuổi tối thiểu trong lĩnh vực hàng hải, ILO quy định trẻ em dưới mười bốn tuổi không được thuê mướn hoặc làm việc trên tàu thuyền, trừ các tàu thuyền mà chỉ các thành viên trong cùng một gia đình mới được sử dụng hay trong lĩnh vực hầm mỏ thì ILO lại nâng dần số tuổi của lao động do tính chất nguy hiểm của công việc. Theo đó, tổ chức này khuyến nghị trong trường hợp độ tuổi tối thiểu để được nhận vào làm việc hoặc làm việc trong hầm mỏ dưới 16 tuổi, các biện pháp cần được thực hiện càng nhanh càng tốt để nâng nó lên mức đó. Độ tuổi tối thiểu để được nhận vào làm việc hoặc làm việc trong hầm mỏ nên được nâng dần lên, nhằm đạt được độ tuổi tối thiểu là 18 tuổi.

          Đến năm 1973, độ tuổi tối thiểu của lao động trẻ em và trẻ vị thành niên bắt đầu được tập hợp lại và ghi nhận trong Công ước về độ tuổi tối thiểu số 138 và Khuyến nghị số 146. Khoản 1 Điều 3 Công ước số 138 đặt ra một nguyên tắc mang tính chất nền tảng là độ tuổi tối thiểu để được nhận vào bất kỳ loại công việc hoặc việc làm nào mà tính chất của nó hoặc hoàn cảnh mà nó được thực hiện có thể gây nguy hiểm cho sức khỏe, sự an toàn hoặc đạo đức của thanh niên không được dưới 18 tuổi.

          Thứ hai, đặt ra các quy định về điều kiện làm việc, những công việc bị cấm đối với trẻ em, trẻ vị thành niên. Các quy định này được quy định trong nhiều văn bản của ILO, trong đó phải kể đến Công ước số 182 về các hình thức lao động tồi tệ đối với lao động trẻ em vào năm 1999. Cụ thể, ILO đòi hỏi các quốc gia thành viên phải ngay lập tức có những biện pháp hữu hiệu nhằm ngăn chặn và xóa bỏ những hình thức tồi tệ nhất của lao động trẻ em như một vấn đề khẩn cấp. Các hình thức này bao gồm:

          - Tất cả các hình thức nô lệ hoặc các thực hành tương tự như nô lệ, chẳng hạn như mua bán và buôn bán trẻ em, nợ nần và chế độ nông nô và lao động cưỡng bức hoặc bắt buộc, bao gồm cả việc cưỡng bức hoặc bắt buộc tuyển dụng trẻ em để sử dụng trong xung đột vũ trang;

          - Việc sử dụng, mua chuộc hoặc cung cấp trẻ em để làm mại dâm, sản xuất nội dung khiêu dâm hoặc biểu diễn khiêu dâm;

          - Việc sử dụng, mua chuộc hoặc cung cấp trẻ em cho các hoạt động bất hợp pháp, đặc biệt là để sản xuất và buôn bán ma túy như được định nghĩa trong các điều ước quốc tế liên quan;

          - Công việc mà theo bản chất của nó hoặc hoàn cảnh mà nó được thực hiện, có khả năng gây tổn hại đến sức khỏe, sự an toàn hoặc đạo đức của trẻ em.

          Các loại công việc nêu trên sẽ được quy định bởi luật pháp quốc gia hoặc bởi cơ quan có thẩm quyền, sau khi tham khảo ý kiến của các tổ chức của người sử dụng lao động và người lao động có liên quan, có xem xét các tiêu chuẩn quốc tế liên quan.

          Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Guy Ryder khi phát động Năm quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em 2021 đã khẳng định: “Không có chỗ cho lao động trẻ em trong xã hội của chúng ta”. Tuy nhiên, trước nguy cơ của đại dịch Covid-19 đang xảy ra trên toàn cầu, số lượng lao động trẻ em có thể tăng lên, điều kiện làm việc của trẻ em và trẻ vị thành niên có nguy cơ giảm thiểu là điều khó có thể tránh khỏi. Ngay bây giờ chứ không phải lúc nào khác, các quốc gia, tổ chức và mỗi cá nhân có liên quan đều cần có những nỗ lực thiết thực hơn nữa để trẻ em không đánh mất tuổi thơ và cơ hội phát triển bền vững trong tương lai.

Tài liệu tham khảo

1. International Labour Organization (1919), ILO Constitution, http://www.ilo.ch/dyn/normlex/en/f?p=1000:62:0::NO:62:P62_LIST_ENTRIE_ID:2453907:NO, [truy cập ngày 16/9/2021].

2. ILO (2019), ILO Centenary Declaration for the Future of Work, https://www.ilo.org/wcmsp5/groups/public/@ed_norm/@relconf/documents/meetingdocument/wcms_711674.pdf, [truy cập ngày 17/9/2021].

3. Văn phòng ILO Hà Nội (2021), Thông cáo báo chí “2021: Năm quốc tế về xóa bỏ lao động trẻ em”, https://www.ilo.org/hanoi/Informationresources/Publicinformation/Pressreleases/WCMS_766376/lang--vi/index.htm, [truy cập ngày 17/9/2021].

4. ILO (1920), C007 - Minimum Age (Sea) Convention (No. 7).

5. ILO (1965), R124 - Minimum Age (Underground Work) Recommendation (No. 124).

6. ILO (1973), C138 - Minimum Age Convention (No. 138).

7. ILO (1999), C182 - Worst Forms of Child Labour Convention (No. 182).

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin