Bài viết

null Đồng Tháp Xây dựng lực lượng võ trang, chuẩn bị chống thực dân Pháp trong những ngày Nam bộ kháng chiến

Trang chủ Tin tức - Sự kiện

Đồng Tháp Xây dựng lực lượng võ trang, chuẩn bị chống thực dân Pháp trong những ngày Nam bộ kháng chiến

 

Ths.Nguyễn Văn Hiệp, trưởng khoa Xây dựng Đảng

 

          Ngay sau thành công của Cách mạng tháng Tám năm 1945, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta cùng lúc tập trung chống cả ba thứ giặc giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm.

          Trong khi đó, từ ngày 23/9/1945 ở Sài Gòn, quân Pháp nổ súng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai nhằm chiếm lại toàn bộ Việt Nam và các xứ thuộc địa cũ ở Đông Dương.

          Ngày 26/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh gởi thơ cho đồng bào Nam bộ, Người khẳng định “Tôi tin và đồng bào cả nước đều tin vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam bộ… Tôi chắc và đồng bào Nam bộ cũng chắc rằng Chính phủ và đồng bào toàn quốc sẽ hết sức ủng hộ những chiến sĩ và nhân dân đương hy sinh đấu tranh để giữ vững nền độc lập, tự do của nước nhà”.

          Ngày 25/11/1945, Trung ương Đảng ra chỉ thị Kháng chiến, Kiến quốc. Chỉ thị Kháng chiến, Kiến quốc của Trung ương Đảng đã soi sáng con đường đấu tranh giữ vững chánh quyền, từng bước xây dựng chế độ dân chủ nhân dân trong cả nước nói chung, tỉnh Sa Đéc nói riêng. Ngay sau khi giành được chánh quyền, để bảo vệ thành quả cách mạng vừa giành được, chiều ngày 25/8/1945, Tỉnh ủy lâm thời Sa Đéc triệu tập cuộc họp bất thường để thảo luận, thống nhất quy định tổ chức bộ máy chánh quyền và cán bộ phụ trách, trong đó, Ủy ban quân sự và Quốc gia tự vệ cuộc được thành lập trước tiên. Đồng chí Lê Văn Nhạc được Tỉnh ủy phân công làm Ủy trưởng Quân sự, đồng chí Lê Văn Cử làm Ủy trưởng Quốc gia tự vệ cuộc tỉnh Sa Đéc.

          Sáng ngày 26/8/1945, tại trường tiểu học nam Sa Đéc (nay là trường tiểu học Kim Đồng), đồng chí Lê Văn Cử tổ chức mít-tinh ra mắt Quốc gia tự vệ cuộc của tỉnh. Trước mắt, ở tỉnh lập hai bộ phận thám sát và cảnh sát. Bộ phận thám sát có nhiệm vụ trấn áp do thám, gián điệp và chống phản loạn, bộ phận cảnh sát có nhiệm vụ bảo vệ cơ quan dân-chánh-đảng, giữ gìn trật tự trị an ở tỉnh lỵ, …

          Các quận Châu Thành, Lai Vung, Cao Lãnh (tỉnh Sa Đéc), Hồng Ngự (tỉnh Châu Đốc), tổng Phong Thạnh Thượng (tỉnh Long Xuyên) đều thành lập Quốc gia tự vệ cuộc. Đến trung tuần tháng 9/1945, Quốc gia tự vệ cuộc đã được thành lập trong toàn tỉnh.

          Quốc gia tự vệ cuộc tiếp quản các cơ quan, trụ sở của chế độ cũ, chọn một số cảnh sát cũ làm nhiệm vụ giữ trật tự nơi công cộng với người của ta đi kèm, tiếp quản các trại giam, phân loại tù chánh trị và thường phạm, giải phóng cán bộ, đảng viên và quần chúng cách mạng bị địch bắt, phóng thích tù thường phạm, giữ lại những tên cầm đầu các tổ chức, đảng phái thân Nhật, thân Pháp và một số tên trộm cướp nguy hiểm. Kết hợp với tin báo của quần chúng, ta truy bắt bọn tay sai khét tiếng gian ác của Nhật, Pháp (Cò Thể, Hai Niên, Sếp Hiến, Phan Thới Lai, Hồ Văn Ân, Hồ Văn Nghĩa, Cai tổng Sum …).

Tuy mới thành lập, lực lượng còn ít và chưa có kinh nghiệm, Quốc gia tự vệ cuộc đã trấn áp một số tên phản cách mạng, giữ vững trật tự xã hội ở nông thôn và thành thị, bảo vệ được chánh quyền cách mạng các cấp, giảm hẳn nạn trộm cướp, cờ bạc, thuốc phiện, mê tín dị đoan… Người dân được ta giáo dục, hướng dẫn, đã có ý thức cảnh giác với bọn phản động, phong trào quần chúng giữ gìn an ninh, trật tự hình thành ở khắp nơi.

          Tỉnh ủy Sa Đéc thành lập Ủy ban Quân sự tỉnh do đồng chí Lê Văn Nhạc làm Ủy trưởng, giữ lại 3 trung đội du kích của Phong Mỹ (quận Cao Lãnh) và Mỹ An Hưng (quận Châu Thành) và tuyển thêm một số du kích để thành lập đại đội võ trang tỉnh, do đồng chí Nguyễn Văn Phàn, Huỳnh Cẩm Hồng, Nho và Nguyễn Văn Kinh trực tiếp chỉ huy, chỉ đạo thành lập lực lượng võ trang và du kích. Ở quận Cao Lãnh, đồng chí Nguyễn Long Xảo làm Ủy viên quân sự, ở quận Hồng Ngự, đồng chí Quang Minh chỉ huy lực lượng Cộng hòa vệ binh… Hầu hết các làng xã thành lập lực lượng du kích có từ 1 tiểu đội đến 1 trung đội, nhiều làng xã lập dân quân. Dân quân du kích và quần chúng cốt cán ở các làng xã thường xuyên luyện tập võ nghệ, ngày đêm tuần tra canh gác, phối hợp với Quốc gia tự vệ cuộc bảo vệ xóm làng.

Cuối năm 1945, quân Pháp đánh chiếm nhiều nơi ở Nam Bộ, Tỉnh ủy lâm thời Sa Đéc chỉ đạo khẩn trương củng cố các đơn vị du kích tập trung, thành lập Trung đội Hoa Lư, phân công đồng chí Hồng Kỳ làm Trung đội trưởng, đồng chí Én làm Trung đội phó và đồng chí Bang làm Tham mưu, lập Ban Dân quân tỉnh do đồng chí Mai Xuân Quảng làm Trưởng ban, khẩn trương mở thêm các lớp huấn luyện cán bộ chỉ huy du kích cho các quận, xã, phát triển thêm du kích và Quốc gia tự vệ cuộc các cấp.

          Đại đội du kích tập trung của tỉnh được củng cố lại, về sau đổi tên thành Trại Bắc Sơn. Trại có 265 quân, gồm du kích của quận Cao Lãnh (90 người), Lai Vung (80) và Châu Thành (95), đóng tại chùa Ông (Tân Phú Đông), do đồng chí Nguyễn Thanh Vân và Phạm Quốc Hùng chỉ huy.

          Tỉnh Sa Đéc còn tổ chức hai trại huấn luyện cán bộ, trại Tân Xuân (huấn luyện cán bộ cấp quận và làng xã) mở tại đình Tân Xuân và trại Nha Mân (huấn luyện cán bộ tiểu đội và trung đội du kích cho tỉnh) mở tại đình Nha Mân. Số cán bộ nầy sẽ hướng dẫn lại cho thanh niên địa phương rồi thành lập các đội du kích - đến cuối 1945, hầu hết làng xã trong tỉnh Sa Đéc có đội du kích. Cán bộ huấn luyện là đồng chí Lựu và võ sĩ Tộ (là cán bộ của Xứ ủy tăng cường cho Ủy ban Quân sự tỉnh Sa Đéc) cùng với một số đồng chí từng tham gia võ trang khởi nghĩa trước đây, có hiểu biết sơ khai về hoạt động du kích, tài liệu huấn luyện xin từ Xứ ủy, học viên dùng súng cây, gậy tầm vông, lựu đạn giả để luyện tập, quân của cấp nào thì do cấp đó vận động nhân dân nuôi dưỡng. Trong hơn một tháng, đã tổ chức được nhiều khóa, mỗi khóa mở nửa tháng với số lượng học viên khoảng một đại đội.

          Quận Cao Lãnh cũng mở lớp huấn luyện du kích tại Phong Mỹ, Mỹ Ngãi, An Bình, Tân Thuận Tây, mỗi làng xã cử 2-3 người đi học. Để có đủ tiềm lực phục vụ cho nhiệm vụ kháng chiến lâu dài, Tỉnh ủy chỉ đạo mở cuộc vận động đồng bào quyên góp đồng, chì, sắt vụn, tập hợp một số thợ, lập cơ sở sửa chữa súng, “rờ-sạt” đạn, chế tạo võ khí thô sơ, là tiền thân của Binh công xưởng tỉnh Sa Đéc.

          Đến tháng 12/1945 hầu hết làng xã, cả ở quận Hồng Ngự và tổng Phong Thạnh Thượng, đều tổ chức được các đơn vị tự vệ trang bị tầm vông vạt nhọn, phi tiêu, dao găm, mã tấu, súng tự tạo… Các đơn vị ngày đêm luyện tập, hướng dẫn nhân dân đào hầm hào, dựng chướng ngại vật, xây dựng làng xã chiến đấu. Tỉnh uỷ cho mở lớp huấn luyện quân chính ngắn ngày ở Tân Châu, Phú Thuận (quận Hồng Ngự) do đồng chí Võ Hiệp Thành phụ trách, cử 80 cán bộ, chiến sĩ dự lớp tập huấn quân sự ở Chiến khu 9. Việc tổ chức sản xuất, sửa chữa võ khí cũng được mở ra.

          Mặc dù gặp nhiều trở ngại, khó khăn, buổi đầu chưa có kinh nghiệm, nhưng đa số đồng chí trong Tỉnh ủy giữ vững quan điểm xây dựng lực lượng võ trang cách mạng, kiên trì đấu tranh nội bộ, vượt qua mọi trở lực… hình thành được lực lượng võ trang công nông từ tỉnh đến cơ sở. Lực lượng nầy tích cực bảo vệ Đảng, bảo vệ chánh quyền còn non trẻ, nhiều lần củng cố tổ chức, huấn luyện và từng bước bổ sung trang bị.

          Những hoạt động tích cực đó đã góp thành lực lượng, thế lực, tạo niềm tin cho quân dân tỉnh Sa Đéc để bảo vệ thành quả cách mạng, tiếp tục kiên trì kháng chiến cùng cả nước tiến đến thắng lợi cuối cùng./.

          Theo Lịch sử Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp, Tập II (1945-1954), Nxb Chính trị quốc gia sự thật, H.2020.

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin