Bài viết

null Những dấu ấn của thanh niên Việt Nam trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước

Trang chủ Tin tức - Sự kiện

Những dấu ấn của thanh niên Việt Nam trong tiến trình xây dựng và phát triển đất nước

Nguyễn Hoài Vinh

Viên chức Khoa Nhà nước và Pháp luật

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành sự quan tâm, tình cảm đặc biệt dành cho thế hệ thanh niên. Người xác định rằng: Nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh một phần là do thanh niên, thanh niên là chủ tương lai của đất nước. Nhân dịp mừng xuân độc lập đầu tiên, tháng 01/1946, Bác đã gửi thư cho nhi đồng toàn quốc, trong thư Bác đã viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ. Tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”[1].

Tuổi trẻ của Bác đã chứng kiến sự tàn bạo của thực dân Pháp, sự ươn hèn của triều đình phong kiến và Bác cũng chứng kiến những phong trào đấu tranh yêu nước như: phong trào Đông Kinh nghĩa thục, phong trào Đông Du, phong trào chống sưu thuế ở Trung Kỳ…Qua những phong trào đó, Bác đã nhận thấy rõ vai trò, sức mạnh to lớn về mọi mặt của thanh niên trong quá trình đấu tranh giành độc lập và kiến thiết đất nước sau này.

Ngay từ những năm đầu hoạt động ở nước ngoài, tháng 6/1925, Bác đã cho thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, chuẩn bị những hạt giống đỏ, ươm mầm cho sự trưởng thành, lớn mạnh của sự nghiệp cách mạng Việt Nam. Nhận thức về tầm quan trọng của thanh niên, dưới sự lãnh đạo của Bác và của Đảng Cộng sản Đông Dương, tháng 3/1931 Đoàn Thanh niên Cộng sản Đông Dương, nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã ra đời.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với nhiều lần thay đổi tên gọi, nhưng Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh một lòng son sắc với Đảng, làm theo lời Bác góp phần to lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngay khi mới thành lập, Đoàn đã lãnh đạo thanh niên tham gia khởi nghĩa Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam Kỳ, tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân vào tháng 8/1945. Trong những cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, dấu chân của thanh niên đã in đậm trên khắp mọi miền của Tổ quốc. Đó là những chàng trai cô gái thanh niên xung phong đã phá đá mở đường cùng với bộ đội Trường Sơn làm nên tuyến đường Hồ Chí Minh huyền thoại “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai”, dù trong mưa bom bão đạn của quân thù vẫn ngày đêm đảm bảo cho những đoàn xe chi viện vì miền Nam ruột thịt. Chúng ta cũng sẽ không quên những hy sinh, mất mát của thanh niên để đất nước được trọn niềm vui thống nhất, đó là mười cô gái thanh niên xung phong ở ngã ba Đồng Lộc, tám thanh niên hy sinh ở hang Tám Cô…và hàng vạn sự hy sinh khác cho Tổ quốc sống mãi, cho dân tộc trường tồn.

Hòa bình lập lại, hàng vạn thanh niên lại hăng hái tham gia xây dựng kinh tế quê hương. Với sức trẻ, họ đã không ngại khó khăn, gian khổ khai phá những vùng đất khô cằn còn lắm đạn bom để tạo nên những đồn điền trù phú ở Tây Nguyên, những công trình thủy lợi tầm cỡ khu vực tưới mát cho ruộng đồng từ hồ Kẻ Gỗ miền Trung đến hồ Dầu Tiếng ở Đông Nam Bộ và những con kênh đào ngang dọc miền Tây để lấy nước dòng Cửu Long thau chua rửa mặn cho Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên tạo nên những cánh đồng lúa vàng trĩu hạt…

Trong quá trình hội nhập, giao lưu kinh tế toàn cầu, thanh niên cũng là lực lượng tích cực nhất, hăng hái nhất hấp thụ những tiến bộ, những tích cực của khoa học công nghệ của quốc tế để đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa Tổ quốc ta sánh vai với các cường quốc năm châu như Bác Hồ hằng mong muốn. Sự nghiệp “trồng người” của Đảng, của Nhà nước ta theo lời Bác dạy đã gặt hái được những thành công rực rỡ khi nhiều học sinh Việt Nam đạt thành tích cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế, làm rạng danh đất nước với bạn bè trong khu vực và quốc tế.

90 năm qua, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã lãnh đạo các thế hệ thanh niên Việt Nam đồng hành cùng sự phát triển của dân tộc. Tiếp nối truyền thống của các thệ hệ đi trước, với sự quan tâm, chăm lo của Đảng và Nhà nước, thanh niên Việt Nam ra sức luyện rèn, phấn đấu trở thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên” theo tâm nguyện của Bác Hồ vĩ đại.


[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.4, tr.167. 

Xuất bản thông tin

Xuất bản thông tin